Khám phá Nụ Cười Ở Lại
của Sức Sống Nguyễn Hồng Công
Nụ cười – đặc điểm nhận dạng
Nguyễn Hồng Công (tác giả của Khát vọng sống để yêu, Ở trọ trần gian, Nụ cười ở lại) hiện hữu ở cuộc đời trong vai bệnh nhân suy thận, luôn với nụ cười tươi rói trên khuôn mặt rạng rỡ. Căn bệnh suy thận như một duyên cớ để tâm hồn Công toả sáng, hơn mười năm sống bằng cách lọc máu ngoài cơ thể như phương tiện để Công truyền tải thông điệp và nghị lực sống với người, với đời! Bằng chính phong cách sống và tác phẩm của mình, Nguyễn Hồng Công đã chứng minh khả năng chiến thắng hoàn cảnh và thay đổi số phận nơi mỗi người là có thật. Chỉ cần dũng cảm đối mặt, biết phương pháp để tập rèn và lòng kiên trì. Từ đấy, tâm hồn ngày càng rộng mở và thuần khiết, thấy rõ cuộc sống và sống thật sự tươi đẹp, vui vẻ, dù ở hoàn cảnh éo le hay bất hạnh thì nụ cười vẫn hồn nhiên và thánh thiện. Không những thế, nội lực của tâm hồn trong sáng, trái tim yêu thương vô điều kiện và đầu óc bình thản tự động lan toả, mang lại giá trị tinh thần tương tự cho người khác, ít nhất là trong một hoàn cảnh cụ thể nào đấy.
Nội lực và sức sống ấy được khuếch đại và thể hiện qua nhân cách ứng xử hàng ngày của Hồng Công, với nhiều nét đặc trưng. Và đặc điểm nổi bật nhất mà ai cũng dễ thấy là nụ cười rạng rỡ thường hiện diện của Công. Nhìn nụ cười luôn tươi rói ấy, nghe nụ cười luôn hạnh phúc ấy, quả thực, không ai tin Công là người mắc bệnh hiểm nghèo và thân thể đang đau đớn. Đối với người biết đến nụ cười của Công, thì đó như “đặc điểm nhận dạng” chính xác hơn cả ADN, nhưng không phải di truyền, cũng không phải bẩm sinh hay trời phú. Dĩ nhiên, nó nằm trong tâm hồn và Công đã thấy, rồi phát huy năng lực siêu phàm của nó. Có lẽ bởi thế mà Nguyễn Hồng Công được một bậc đạo sư ban cho tên Phật là Tuệ Từ. Không biết vị đạo sư đã thấy thế nào mà đặt tên như vậy, nhưng danh hiệu ấy đã bao hàm và khái quát đầy đủ về sức sống, nghị lực, cũng như nụ cười Nguyễn Hồng Công.
Cứ ngỡ, người ra đi thì khó có đáp án cho câu hỏi: Nụ cười, nghị lực và tình yêu cuộc sống của Công bắt nguồn từ đâu, hay bằng cách nào mà Nguyễn Hồng Công có sức sống phi thường như vậy? Nhưng không, trước lúc giã từ nhân thế, Hồng Công đã kịp để lại câu trả lời thông qua những trang viết, như là công thức giúp có được tinh thần lạc quan, yêu thương cuộc sống, chiến thắng chính mình, vượt qua số phận. Tất cả đã được biên soạn thành tác phẩm thứ ba của Nguyễn Hồng Công, với tựa đề Nụ cười ở lại, do NXB Văn học ấn hành và ra mắt bạn đọc nhân dịp một năm Hồng Công đi xa (15/09/2010).
Ở hai tác phẩm trước, Hồng Công đã bộc bạch khát khao về một tình yêu, khát khao cháy bỏng và dường như vô vọng. Điều đó đã khiến bao bạn đọc xót xa, thương cảm, tiếc nuối thay cho tác giả. Nhưng ở Nụ cười ở lại, độc giả sẽ bất ngờ với cách ứng xử vượt lên trên lẽ thông thường của tình yêu đôi lứa trong Nguyễn Hồng Công. Như thấu triệt được tình yêu và bằng trái tim thuần khiết, Công đã chuyển hoá tình yêu cá nhân thành tình yêu con người, chang trải năng lượng yêu thương đó với cộng đồng và cuộc sống. Giống như sự biến hoá tình cảm riêng tư thành nguồn sống vun trồng cho cái lớn lao hơn, tươi đẹp hơn, ích lợi cho nhiều người hơn, đó là điều vô cùng khó khăn đối với nhân thế. Thú vị hơn, Công khẳng định rằng: Trên con đường em đi và em lựa chọn, mãi mãi chỉ có mình em nhưng em thấy hạnh phúc!
Nếu liên kết chuyện ái tình của Nguyễn Hồng Công lại, dễ nhận thấy rằng, xuyên suốt là một câu chuyện tình rất sống động, thánh thiện và kết cục như là cổ tích. Mặc dù, người đọc có thể vẫn luyến tiếc chút gì đó thay cho tác giả, nhưng đoan chắc lại càng ái mộ và khâm phục lòng quả cảm, vẻ đẹp tinh khiết của tâm hồn Nguyễn Hồng Công.
Với cái nhìn và cách ứng xử của Nguyễn Hồng Công về tình yêu vượt ra ngoài phạm vi kinh nghiệm, cảm xúc thông thường, Nụ cười ở lại cống hiến cho bạn đọc những điều thật sự hấp dẫn, rất đáng suy ngẫm về tình yêu. Vẫn những tình huống rất đời, vẫn lối viết rất tự nhiên và dung dị nhưng bên trong đó là thông điệp thật sâu sắc, khó diễn tả bằng lời cho được.
Đớn đau, bệnh tật là bạn hiền
Trong đời, ai cũng trải qua bệnh tật, đớn đau về thân thể và cảm thấy rất khó chịu, coi chúng như kẻ thù. Thế nhưng, Nguyễn Hồng Công lại coi những căn bệnh của mình như bạn đồng hành, cùng trú ngụ trong một mái nhà (thân thể) và dĩ nhiên, người chủ là Công. Công thì thầm tâm sự, cười nói với đớn đau. Công coi thận teo, tim to là đôi uyên ương và đứng ra làm “chủ hôn” cho hai “nhân vật” đó trong cơ thể mình. Thật kì lạ!
Và còn rất nhiều điều kì lạ khác nữa mà bạn đọc có thể tìm thấy ở những trang viết của Công trong Nụ cười ở lại. Có lẽ, những yếu tố kì lạ chính là nguyên nhân làm nên một Nguyễn Hồng Công kì diệu và cũng… kì lạ!
Lá nát đùm lá rách
Nguyễn Hồng Công không chỉ có nghị lực sống phi thường, mà còn có tấm lòng nhân ái, bao dung, luôn rộng mở với mọi người. Đã có những lúc trong túi chỉ còn mười hai nghìn đồng, nhưng Công vẫn mua gói tăm mười nghìn ủng hộ trẻ em khuyết tật, giữ lại hai nghìn để ăn bánh mì và uống nước lọc; Có khi đi hàng trăm km để tặng sách của mình cho người cùng cảnh, những mong họ vững tin nơi cuộc sống kì diệu; Đêm khuya, vẫn nhiệt tình tư vấn cho bệnh nhân và người có thân nhân bị bệnh, giúp họ bình tĩnh, xử lí tình huống an toàn; Và luôn sẵn sàng động viên, chia sẻ niềm vui, tinh thần lạc với bất kì người nào…!
Hơn ai hết, Hồng Công thấu rõ nỗi khó khăn vô vàn của những người không may phải chạy thận nhân tạo (căn bệnh của nhà giầu), và lưỡi hái tử thần luôn kề cổ. Họ có thể học tập và có được nghị lực sống như Hồng Công, nhưng vẫn nhiều lắm những người phải bỏ máy lọc máu, ra về do… cạn kiệt gia tài, ra về có nghĩa là sẽ ra đi vĩnh viễn! Bởi thế, đương thời, Công luôn mong ước có một quỹ nhân đạo để giúp những người chạy thận nhân tạo chiến đấu với tử thần, vì… cuộc sống tươi đẹp lắm! Và giá trị vật chất tác phẩm Nụ cười ở lại là để thực hiện di nguyện nhân văn đó của Nguyễn Hồng Công. Theo đó, được sự ủng hộ nhiệt tình của gia đình và bạn bè Công, toàn bộ kinh phí xuất bản cũng như phát hành 2000 cuốn Nụ cười ở lại sẽ được chuyển cho khoa thận của bệnh viện Bạch Mai, nơi Hồng Công đã gắn bó 13 năm và đơm trổ tài năng.
No comments :
Post a Comment