2.7.14

Lời “trăn trối” của một bác sĩ Singapore qua đời vì bệnh ung thư



Bác sĩ Richard Teo Keng Siang (1972-2012) tài hoa, đẹp trai, nhưng đột ngột qua đời vì bệnh ung thư phổi ở độ tuổi 40, khi anh đang trên đỉnh cao danh vọng. Câu chuyện cuộc đời và nghề nghiệp mà vị bác sĩ này để lại cho đời khiến nhiều người rưng rưng, suy ngẫm.



Điều đặc biệt gần gũi từ “câu chuyện đời tôi” của bác sĩ Richard Teo Keng Siang là đã chạm vào ngõ ngách của ngành y, khi đạo đức nghề nghiệp không phải lúc nào cũng “chiến thắng” tiền tài, danh vọng.

Thế nên mới bảo là, y đức không thể giáo dục được, không thể tuyên truyền ra rả và nêu cao được. Nó chỉ hoặc có hoặc không mà thôi. Có thì khi nào cũng sẵn rồi, không có thì chịu. Muốn giữ cũng chả được, không có, thì giữ cái gì, nêu cao bằng cách nào? Cũng không thể chỉ học hỏi kiểu như nhồi nhét được, bởi nó thuộc tính khí, mang tính tự phát hay nhận ra nhiều hơn, nó đi từ trong ra, chứ không phải nhập từ ngoài vào.

Một thầy thuốc có thể vì sợ luật pháp, sợ đạo đức xã hội mà phải "giữ y đức", kể ra, phần nào cũng hạn chế được. Nhưng, cũng vì sự sợ hãi đó, mà thầy thuốc sẽ trở nên tinh quái hơn trong hành nghề. Trường hợp này, bề ngoài thì đầy "y đức và trách nhiệm", nhưng sâu thẳm, hoàn toàn ngược lại, giống như vô lương tâm và trách nhiệm tột cùng. Nhưng, thường người ta không nhận ra, hoặc không chịu nhận ra. Một khi nhận ra, thì tự dưng y đức sống dậy và phát huy. Thế thôi, chả cần học hành ở đâu hết. Không nhận ra, thì có học giời cũng vẫn vậy.

Trong một cuộc nói chuyện vui, vị bác sĩ trưởng khoa (đã về hưu) ở viện Bạch Mai than thở rằng: Làm cách nào, để tất cả các thầy thuốc đều có y đức tự nhiên, trách nhiệm tự nguyện với bệnh nhân? Có phải vì thu nhập thấp quá không? Có phải vì đời sống khó khăn quá không?... Trả lời: Không phải. Những bệnh nhân kiệt quệ sức lực, kiệt quệ tinh thần, kiệt quệ tài chính thường đùm bọc, thương yêu, đoàn kết, chia sẻ, dễ thông cảm... nhau hơn. Và nếu những bệnh nhân này trở thành thầy thuốc, thì y đức của họ tự động hiển thị, không cần bất cứ điều kiện nào nữa. Một thầy thuốc trải nghiệm qua đau đớn của bệnh tật, thiếu thốn tài chính chữa bệnh, ắt sẽ có y đức tự nhiên, ắt sẽ có trách nhiệm tự nguyện với bệnh nhân, bởi vì, họ trị bệnh với cách nhìn, với tư cách mình là bệnh nhân. Đó như là điều kiện để kích hoạt y đức. Chuyện này khó lắm! Nghe có vẻ tàn nhẫn, nhưng nếu có cách nào đấy, để tất cả các bác sĩ trước khi tốt nghiệp/hành nghề, đều được trải qua hoặc hưởng thụ trọn vẹn cơn đau đớn tột cùng của bệnh tật, thì khỏi cần phải học y đức, cũng không cần buộc vào đạo đức nghề nghiệp hay luật pháp. Cách này khó! May ra, chỉ được những thầy thuốc do hoàn cảnh tự nhiên tạo nên như thế. Nói may ra bởi vì, họ sẽ là ân đức lớn lao vô cùng cho người bệnh của họ.

Câu chuyện


“Chào các bạn trẻ. Xin lỗi vì chất giọng khàn khàn của tôi, nhưng tôi sẽ cố gắng, tôi mong các bạn chú ý đến những gì tôi sẽ nói sau đây.

Đầu tiên, xin tự giới thiệu, tôi tên Richard, một bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ. Tôi đến đây để chia sẻ với các bạn vài ý nghĩ về đời sống của tôi. Tôi hân hạnh nhận lời mời của các giáo sư để có mặt ở đây. Hy vọng, câu chuyện của tôi giúp các bạn có thêm sự suy ngẫm về tương lai và những vấn đề khác trong khi các bạn theo đuổi ngành nha khoa.

* Đổi đời

Từ thuở bé, tôi sinh ra và trưởng thành trong một gia đình dưới mức trung bình. Lúc ấy tôi học được từ nhiều dư luận, kể cả dân gian, cho rằng hạnh phúc chỉ đến với ta khi thành công trong cuộc đời…sự thành công ấy đồng nghĩa với giàu sang phú quý. Với ý nghĩ ấy trong đầu, tôi vận dụng tất cả nghị lực để làm việc ngay từ thuở nhỏ.

Không những tôi phải học trường tốt nhất mà tôi cần vượt hơn hẳn người khác trong mọi lĩnh vực. Tôi chơi thể thao giỏi, và giỏi trong tất cả…Tôi cần có nhiều phần thưởng để cho thấy thành công vẻ vang. Vì thế, tôi rất thành công ngay từ khi còn trẻ. Tôi theo học y khoa và trở thành bác sĩ.

Thời ấy, trong tất cả chuyên khoa của ngành y thì giải phẫu mắt được ưa chuộng nhất. Thế là tôi quyết định theo học ngành phẫu thuật về mắt. Tôi cũng nhận được học bổng nghiên cứu về chữa trị mắt bằng máy laser của NUS (National University of Singapore, Cơ quan nghiên cứu y khoa chính phủ).

Tôi đạt được hai văn bằng về y khoa và kỹ thuật điều trị mắt bằng laser. Nhưng, việc học ở trường không mang lại sự giàu có ở đời. Sau khi gắn bó khá lâu với việc nghiên cứu, tôi nghĩ việc học hỏi về phẫu thuật mắt cần rất nhiều thời gian, nên tôi quyết định làm việc cho công ty tư có lẽ kiếm được nhiều tiền hơn.

Vài năm trước, ngành phẫu thuật thẩm mỹ phát triển mạnh mẽ. Người ta kiếm được tiền nhiều vô số kể. Tôi nghĩ đã đến lúc phải đổi đời vì ngồi mãi ăn lương trong chính phủ cũng đã “đủ lông đủ cánh” và đúng thời điểm thuận tiện để… hốt bạc.

Tôi bỏ cuộc việc nghiên cứu nửa chừng và ra ngoài thành lập viện phẫu thuật thẩm mỹ cùng với viện phẫu thuật ngắn hạn (day surgery center).

Có một điều rất trớ trêu là người ta không trở thành anh hùng nếu chỉ làm bác sĩ gia đình. Ngược lại, người ta dễ trở thành anh hùng nếu chữa trị cho người giàu có và nổi tiếng.

Người dân không hài lòng và tiếc tiền khi phải trả 20 đô để khám ở một bác sĩ tổng quát. Cùng bệnh nhân ấy, nhưng họ sẵn sàng trả 10.000 đô để được bác sĩ hút mỡ bụng, 15.000 đô để “cơi nới” ngực, và những phẫu thuật thẩm mỹ tương tự…

Không cần có trí tuệ để hiểu điều này. Tại sao bạn mơ mộng để trở thành bác sĩ tổng quát nhỉ? Hãy hăng hái học ngành bác sĩ thẩm mỹ để kiếm nhiều tiền ấy.

Thế là, công việc của tôi rất ổn định, quá tốt nữa là khác. Khi bắt đầu viện thẩm mỹ, bệnh nhân của tôi đợi mỗi tuần, sau đó họ phải đợi hai tháng, rồi ba tháng. Viện của tôi có quá nhiều bệnh nhân, nhìn mà ngộp thở vì viện bị quá tải so với số lượng người bệnh.

Sắc đẹp hư ảo bằng thẩm mỹ là một công nghệ “dị thường”. Lúc đầu tôi thuê một bác sĩ phụ giúp, rồi người thứ hai, thứ ba, thứ tư. Trong vòng một năm đầu, lợi tức tôi lên đến bạc triệu.

Nhưng, cuộc đời không bao giờ gọi là đủ và tôi vẫn chưa hài lòng lắm. Tôi bắt đầu “bành trướng” sang thị trường Indonesia để làm phẫu thuật cho những người giàu ở đó, họ “nhắm mắt” phung phí tiền bạc một cách dễ dàng. Kiếm tiền ở đó quá dễ...

*Hưởng thụ

Làm được quá nhiều tiền, bây giờ là lúc hưởng thụ.

Làm cách nào để tiêu khiển cuối tuần? Cách hay nhất là vào câu lạc bộ đua xe. Với số tiền quá lớn kiếm được, tôi mua một chiếc xe đua và gia nhập câu lạc bộ. Thỉnh thoảng tôi dự đua xe ở Sepang, Malaysia. Phần tiền còn lại phải làm gì để tiêu khiển tiếp? Tôi quyết định mua một chiếc Ferrari 430. Vào thời ấy, bạn học cũ của tôi đang làm xuất nhập khẩu. Hắn có một chiếc Ferrari đỏ nên tôi phải chọn một chiếc màu trắng bạc cho nổi…

Sau khi mua xe Ferrari, cũng đến lúc phải sắm một căn nhà, tôi quyết định đi tìm mảnh đất để xây một căn nhà riêng, thỏa mãn thú vui săn bắn ...

Cũng như mọi người, ai cũng mơ giàu có và một khi giàu rồi, người ta lại muốn đạt đến sự nổi tiếng. Thế là tôi “cặp kè” với những người giàu và nổi tiếng bằng cách kết bạn trên mạng Internet. Chúng tôi chịu chi rất nhiều cho những nhà hàng nổi tiếng, và hưởng một cuộc sống rất trưởng giả.

Như vậy là tôi đã đạt đến cực điểm của cuộc sống mà mọi người hằng mơ tưởng. Vâng! Đó là cuộc sống của tôi trước đây vài năm. Ngày ấy, khi tập thể dục trong các phòng Gym, tôi vẫn nghĩ là tôi đủ tự chủ và có tất cả để duy trì đỉnh cao danh vọng.

Nhưng tôi đã lầm. Tôi không thể duy trì được tất cả…

*Ung thư

Khoảng tháng Ba năm ngoái, tôi cảm thấy hơi đau lưng trong lúc làm việc. Tôi tưởng vì tôi đứng nhiều và hay cong lưng khi làm phẫu thuật. Tôi vào y viện, xem xét kỹ MRI, và nghĩ cái đĩa nào bị lệch hay có chuyện gì ở xương sống. Cùng đêm đó, anh bạn điện thoại cho biết, tủy sống của tôi bị thay đổi một cách nhanh chóng. “Anh nói giỡn chơi hay sao!. Tôi vẫn thường tập thể dục kia mà!”. Tôi quyết định trở lại bệnh viện lần nữa để tầm soát bằng những phương pháp tối tân hơn như PET scans (positrons emission scans).

Họ phát hiện, tôi đang ở giai đoạn 4 của ung thư phổi.

Các bạn biết không, tôi tự hỏi: “Tai họa này từ đâu đến đột ngột vậy?”. Căn bệnh ung thư của tôi lúc đầu bắt nguồn từ bộ não, lan dần xuống xương sống, đến gan và tuyến thượng thận.

Một lúc nào đó, trong cuộc sống, ta tưởng đã đạt đến cực điểm của cuộc đời và nghĩ tất cả nằm gọn trong tầm tay của mình. Chỉ ít lâu sau, ta mất tất cả…

Đây là bản chụp scan của phổi tôi. Nếu các bạn nhìn kỹ, mỗi đốm đen là một khối u (tumour). Thực ra, tôi có hơn 10.000 khối u như thế trong phổi. Bác sĩ cho tôi biết, với việc lọc máu (chemotherapy), tôi chỉ sống sót từ 3 đến 4 tháng. Cuộc sống của tôi chỉ có thế hay sao? Tôi tuyệt vọng và sinh ra trầm cảm. Tôi vẫn nghĩ là tôi có tất cả…

Bạn thấy nực cười chăng? Sau khi có được tất cả, nào là thành công mỹ mãn, có xe hơi, nhà lầu, có lúc tôi còn hôn lên chiếc xe Ferrari nữa chứ. Lúc đó tôi vẫn nghĩ tất cả thứ ấy mang lại cho tôi nhiều hạnh phúc nhất.

Ngược lại, những thứ ấy không mang lại cho tôi một chút gì sung sướng từ 10 tháng nay. Tôi luôn nghĩ đó là hạnh phúc của con người. Không phải. Đó chỉ là những thứ phù du mà con người ai cũng đua đòi…

Các bạn biết không? Mỗi dịp tết đến, tôi lái xe Ferrari đi thăm bạn bè, bà con, dòng họ để khoe khoang và tôi rất hãnh diện. Tôi nghĩ đó là hạnh phúc thật sự.

Các bạn có tin rằng bạn bè và dòng họ vốn có cuộc sống khó khăn sẽ chia sẻ niềm hạnh phúc hân hoan của tôi không? Không bao giờ. Trong khi họ phải dùng phương tiện công cộng để di chuyển, những gì tôi khoe khoang làm cho họ càng ganh tị và ghét tôi hơn. Tôi nghĩ sự ganh tị là bình thường. Tôi đã khoe khoang, và hãnh diện vô cùng về bản thân. Nhưng nó chẳng mang đến niềm vui nào cho ai cả.

Để tôi kể cho các bạn nghe một câu chuyện buồn cười khác. Vào lứa tuổi các bạn, tôi ở trường nội trú King Edward VII Hall. Tôi quen một cô bạn tên Jennifer mà tôi nghĩ lúc đó cô bạn này là người lạ thường. Là vì khi tôi và cô đi bộ dọc theo con đường, nếu cô ấy gặp một con ốc, cô ấy sẽ không ngần ngại mang con ốc ấy trở lại bãi cỏ vì sợ người ta đạp nát con ốc ấy giữa đường.

Tại sao Jennifer phải tốn công và làm dơ bẩn tay vì chuyện ấy nhỉ? Nó chỉ là con ốc vô tri. Thực ra, cô ấy cảm nhận được sự đau đớn của con ốc khi người ta dẫm đạp lên nó. Cũng như chúng ta hoàn toàn có thể bị đè dẹp như con ốc kia. Buồn cười lắm phải không?

Tôi được huấn luyện để trở thành một bác sĩ, để có lòng từ bi và cảm thông, nhưng tôi lại không có những thứ ấy.

*Thức tỉnh

Là một bác sĩ trực trong bệnh viện chuyên trị ung thư NUH (National University Hospital), tôi từng chứng kiến bao nhiêu người chết. Tôi đã thấy nhiều bệnh nhân đau đớn và suy kiệt cơ thể vì sự tàn phá của bệnh tật và những cơn đau. Tôi cũng chứng kiến bệnh nhân chấp nhận tiêm morphine vào máu vì không chịu nổi sự đau đớn dày vò. Tôi cũng chứng kiến nhiều bệnh nhân phải dùng oxygene để thở hơi thở cuối cùng. Nhưng đó là công việc.

Mỗi khi vào viện tiêm thuốc cho bệnh nhân, rút máu và cho thuốc cho bệnh nhân, tôi nghĩ “bệnh nhân là bệnh nhân, tôi vẫn là tôi”. Khi xong việc, tôi chỉ muốn chạy ngay về nhà vì nghĩ là đã hoàn tất công việc hằng ngày.

Khi bệnh nhân mắc bệnh, bị dày vò bởi cơn đau, thực ra là cơn đau của người khác chứ không phải của tôi. Dĩ nhiên không phải là sự đau đớn của tôi vì tôi đã học y khoa và được dạy cách xử lý. Nhưng thực ra trong thâm tâm tôi, tôi thực sự không hiểu họ đau đớn như thế nào cho đến khi tôi là nạn nhân.

Giờ đây, tôi thực sự hiểu được sự đau đớn mà bệnh nhân phải đối diện.

Nếu các bạn hỏi, liệu khi tôi trở lại từ đầu như một bác sĩ thì tôi sẽ khác không? Bây giờ, tôi có thể trả lời các bạn rằng: Vâng! Tôi sẽ đổi khác. Vì tôi đã trải qua cơn đau đớn mà họ vấp phải nên tôi rất hiểu họ phải chịu đựng như thế nào.

Ngay khi các bạn chỉ bắt đầu năm thứ nhất về phẫu thuật nha khoa, tôi cảnh báo các bạn về hai mặt:

Thứ nhất, thông thường khi các bạn ra trường, các bạn sẽ làm việc trong viện nha khoa tư. Bạn sẽ kiếm được nhiều tiền, tôi bảo đảm với các bạn: chỉ cần làm răng giả cũng đem lại rất nhiều lợi tức. Thực ra, không có gì khó hiểu về cách làm tiền và làm giàu của các bạn, đó là cách làm giàu lương thiện.

Vấn đề ở chỗ là đa số chúng ta và ngay cả tôi, là chúng ta không làm chủ đượcchính mình. Tại sao tôi nói như thế. Tại vì khi ta giàu lên, ta lại càng muốn nhiều hơn. Lòng tham không đáy mà bạn! Khi mà ham muốn càng tăng thì bạn lại càng theo đuổi nó một cách mãnh liệt hơn. Tất cả điều bạn muốn là làm giàu cực điểm, điều mà xã hội đòi hỏi là địa vị của bạn tương xứng như vậy. Bạn say mê kiếm tiền đến mức không có gì quan trọng bằng tiền bạc. Và bệnh nhân là nguồn lợi tức tuyệt vời cho bạn. Bạn rút từng cắc bạc của bệnh nhân.

Nhiều khi tôi quên mình phụng sự cho ai. Và tôi quên luôn là mình đang chỉ phụng sự riêng cho cá nhân.

Đó là trường hợp của tôi. Cho dù bạn làm trong y khoa hay nha khoa, tôi đảm bảo với bạn rằng trong việc thực hành công việc tư, chúng tôi chỉ tư vấn bệnh nhân cách điều trị không rõ ràng lắm. Lúc là bệnh nhân, tôi mới biết ai là bạn, ai thật tình muốn chăm sóc bệnh nhân và ai là người chỉ có mục đích làm tiền bằng cách bán niềm “hi vọng”.

Tôi cảm thấy chúng tôi mất dần y đức chỉ vì ai cũng cố gắng kiếm thật nhiều tiền.

Tệ hơn thế, gần đây chúng tôi còn đem trò bêu xấu đồng nghiệp trong nghề để lấy thêm lợi thế cho mình mà không cảm thấy xấu hổ gì. Đây là tình huống hiện thời trên thị trường y cũng như nha khoa, bất cứ nơi đâu. Làm thế nào để không đánh mất đạo đức và lương tâm con người? Tôi học hỏi từ cuộc đời một cách khó khăn!. Tôi hi vọng bạn không bao giờ hành động như tôi.

Thứ hai là, đa số chúng ta bắt đầu công việc khi chưa có cảm giác đối với bệnh nhân. Cho dù làm việc trong bệnh viện hay nhà thương tư, tôi cam kết với bạn rằng là trong bệnh viện, có vô số bệnh nhân để chữa trị. Tôi chỉ mong làm cho xong chuyện càng sớm càng tốt. Tôi chỉ muốn bệnh nhân rời phòng làm việc của tôi càng sớm càng tốt, nhưng đó là sự thật. Và đó đã trở thành một công việc bình thường hằng ngày.

Nhưng đây chỉ là một phần của công việc. Tôi đã thực sự hiểu bệnh nhân nghĩ về mình thế nào chăng? Thực ra là không! Nỗi lo sợ của bệnh nhân và những thứ khác mà họ đã trải qua, thực ra tôi cũng không biết, cho đến khi tôi lâm trọng bệnh. Đó là sai lầm lớn nhất của hệ thống y khoa tân tiến.

Chúng ta được huấn luyện để trở thành những chuyên gia y khoa cũng như nha khoa nhưng chúng ta lại không hiểu bệnh nhân cảm nhận về chúng ta như thế nào.

*Học cách sống khi mình sắp chết

Tôi không đòi hỏi các bạn phải xử sự bằng tình cảm. Tôi không nghĩ đấy là một cách chuyên nghiệp. Nhưng chúng ta thực sự muốn tìm hiểu nỗi đau đớn mà bệnh nhân đang mắc phải không? Dĩ nhiên đa số chúng ta trả lời là không, tôi chắc chắn với các bạn như vậy. Tôi muốn các bạn hãy tự đặt mình vào trường hợp bệnh nhân để hiểu tâm trạng đau đớn của họ. Cũng hơi trễ nhưng vẫn chưa muộn.

Trên đời này, sự đau đớn, sự lo âu và sợ sệt là hiện thực mặc dù nó không có thực đối với bạn lúc này, nhưng nó là sự thật đối với bệnh nhân. Luôn nhớ điều ấy.

Bây giờ, tôi đã trải qua lần lọc máu thứ năm. Tôi nói thật với bạn, tôi đã thực sự hiểu sự đau đớn. Việc lọc máu là việc mà bạn không bao giờ mong sẽ xảy ra cho chính mình. Nó thật ghê sợ. Dù sức khỏe tôi rất yếu như hiện nay, nhưng tôi cố gắng an ủi những bệnh nhân ung thư khác khi tôi có điều kiện. Nhưng cũng đã quá muộn.

Các bạn sẽ có một tương lai tươi sáng với năng lực và tài lực mà bạn có. Tôi muốn bạn nên đi xa hơn, trực tiếp đến với bệnh nhân của bạn. Để hiểu rằng còn nhiều người đang phải chịu đau đớn, khó khăn trong cuộc sống.

Bây giờ, tôi đang ở giai đoạn cuối của việc chữa trị. Người nào thực sự chăm sóc cho bạn hay cho tôi thì đó là điều đặc biệt. Đấy là nhận xét của tôi sau mỗi lần điều trị tại bệnh viện.

Điều trớ trêu nữa là, khi chúng ta biết mình sắp chết, lúc đó mình mới học cách sống (xử sự). Tôi biết điều này có vẻ bệnh hoạn, nhưng đó là sự thật mà tôi đã thực sự trải qua.

Đừng để xã hội dạy bạn cách sống như thế nào cho hợp lý. Đừng bị ảnh hưởng bởi dư luận và lối sống của người khác. Trường hợp này đã xảy ra cho tôi. Tôi đã mộng tưởng đời sống phù du thực sự đem lại hạnh phúc cho cá nhân tôi.

Tôi hi vọng bạn suy nghĩ kỹ hướng đi của chính bạn. Đừng nghe lời xúi giục của xã hội mà hãy nghĩ đến những gì bạn muốn thực hiện và làm tốt cho người khác. Vì hạnh phúc thực sự không phải là phục vụ cho chính bạn.

Cuối cùng, xin tổng hợp những gì tôi muốn khuyên bạn:

Đừng bắt chước cuộc sống giàu sang ảo ảnh như tôi. Tôi không có cách nào khác. Tôi phải trải qua cuộc sống đau thương này.

Tôi phải cảm ơn Thượng đế cho tôi cơ hội vì tôi đã trải qua ba lần tai nạn xe cộ. Tôi luôn lái xe rất nhanh, nhưng sau mỗi tai nạn, tôi đều sống sót. Cảm ơn Thượng đế lần nữa.

Tôi đã học được như sau:
1. Tin tưởng Đấng Tạo Hóa trong tim ta.
2. Yêu thương người khác, không nên chỉ yêu chính bản thân mình.
3. Không gì sai lầm khi bạn giàu có cả, vì Thượng đế đã ban cho bạn ân sủng ấy. Rất nhiều người được hưởng giàu sang phú quí nhưng họ không biết giữ gìn nó. Càng giàu thì người ta mong được giàu hơn.
4.Chúng ta đều là "dân" chuyên môn. Khi ra trường, các bạn sẽ hái ra rất nhiều tiền và bằng đồng tiền của bệnh nhân. Đừng quên rằng, một ngày nào đó nó sẽ không thuộc hẳn về bạn nữa".

Nguồn: Heavenaddress

No comments :

Post a Comment

Định dạng nhanh toàn Blog

Bản quyền thuộc Người lính Việt,Blogger-@2014-Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024,tỉ lệ 100-125%.

Trang chủ | About Me | Chuyên trang video quân đội | Chuyên trang người lính với cộng đồng | Liên hệ