Một BTV tồi, ít khả năng, thiếu trách nhiệm, kết quả hiển nhiên dẫn đến đại hoạ cho tác giả, biến tác phẩm thành bức tranh biếm hoạ và gây hại cho người đọc. Bởi, thông điệp hay thông tin của tác phẩm và tác giả không được chuẩn hoá, bị biến dạng, sai lệch...
Vài ví dụ trong các bài viết, trên tờ báo uy tín về giáo dục:
* “Ngôi nhà lọt thỏm sau những rặng tre, chiếc lá vàng bay lả tả đậu khắp hiên sân, ngước mắt nhìn di ảnh con trai lòng mẹ lại càng thêm đau thắt.”
1/ “Lá vàng”, không dùng trong trường hợp (văn cảnh) là lá tre.
2/ Đã “bay lả tả”, lại còn “đậu khắp”.
3/ “Hiên sân”, sân vốn không có hiên.
4/ “Con trai lòng mẹ”. Không đặt dấu phẩy ngăn cách chữ “trai” và “lòng”, thì hiểu thế nào?
* “Ngàn cân đè lên vai… người đàn ông đảm đang (tít bài)
Trong cái nắng gay gắt của tiết trời tháng 5 đổ lửa trên vùng đất nổi tiếng vị cam sành, xe tôi lăn bánh ì ạch qua con đường cấp phối tìm đến nhà anh Lý.”
1/ Tít bài thật lố bịch: “đảm đang”, không thể bổ nghĩa cho “đàn ông”.
2/ Cả câu sau, chữ thừa thãi và đảo lộn, thiếu dấu câu. “Vùng đất nổi tiếng vị cam sành”, đất nào mà lại có “vị cam sành”?
* “Tiếng kêu cứu của một người mắc bệnh liệt giường (tít bài)
Mỗi nơi mà chúng tôi đi qua lại là một câu chuyện đời bất hạnh của một gia đình đang cần các bờ vai sẻ chia.”
1/ “Bệnh liệt giường” là bệnh gì? Trời ạ, làm gì có bệnh tên “liệt giường” cơ chứ. Nếu muốn nhấn mạnh, phải thêm hư từ chỉ dẫn vào câu. Ví dụ: Tiếng kêu cứu của một người mắc bệnh UNG THƯ (HAY HIỂM NGHÈO), PHẢI NẰM liệt giường.
2/ “Các bờ vai sẻ chia.” Không rõ chức năng của “bờ vai”, dùng bậy bạ. T/g dùng “bờ vai” cho khác với “bàn tay”, lại hoá thành ngây ngô, ngớ ngẩn.
* “Trong cái nắng gay gắt của tiết trời tháng năm, chúng tôi tìm đến xóm 1, thôn Triệu Xá, xã Liêm Chính, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam theo chỉ dẫn của một ông già trạc tuổi thất tuần chỉ đường, ông nói trong xót xa:”
1/ “ông già trạc tuổi thất tuần”. Đã “trạc tuổi”, lại còn “thất tuần”, rõ chán! Văn chả ra văn. Cứ viết luôn: ông già khoảng 70 (tuổi), có phải rõ ràng và hay hơn không.
2/ “Chỉ dẫn” ở đầu rồi, lại “đế” thêm “chỉ đường” nữa làm gì?
3/ Chỉ đường, thì làm sao mà phải “xót xa” hả giời?
* “Tóc xanh mẹ chảy cạn vào đời con (tít bài)
Đến đây tôi mới thấy sao lại có người sinh ra đã khổ như Phúc?”
1/ “Tóc xanh” “chảy cạn”, là chảy ra làm sao, hỡi giời? Lại còn, “cạn vào đời con” mới thật vớ vẩn.
2/ “Đến đây”, là đâu, mà “khổ như Phúc”? Rõ ràng, t/g rất mù mờ về câu cú.
* “Mọi cố gắng của người mẹ mù cũng chỉ là “hạt mưa rơi xuống hòn đá mà thôi” đành nhìn anh mang căn bệnh đó lớn dần cùng năm tháng.”
1/ “Mọi cố gắng” “chỉ là” “hạt mưa rơi xuống hòn đá”, vô nghĩa, không hiểu t/g so sánh thế để chỉ điều gì?
2/ “Người mẹ mù”, mà lại “đành nhìn...” “lớn dần cùng năm tháng”. Mặc dù chỉ với nghĩa bóng, nhưng trường hợp này không thể viết thế.
3/ “Anh mang căn bệnh đó lớn dần”. Người bệnh lớn, căn bệnh lớn hay cả hai cùng lớn?
***
Theo kết quả thống kê về sử dụng tiếng Việt, thì nhóm báo chí – truyền thông chiếm tỉ lệ sai cao nhất. Quả là nghịch lí, nhưng không nghịch thực tế chút nào. Các nhà ngôn ngữ học lên tiếng báo động, kêu gọi giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt. Nhưng căn nguyên không phải bởi tiếng Việt không trong sáng (nên không cần phải giữ gìn). Mà do người viết không biết sử dụng hoặc dùng... tầm bậy, dùng liều, không hiểu nhưng vẫn dùng. Được một vài bài đăng báo (bất cứ báo nào) là tự tôn PV, nhà báo và tha hồ “phóng bàn phím”. Rồi thì, sửa một vài bài viết (chưa biết đúng hay sai) là tự tôn biên tập viên. Rõ thật bi hài!
Về ngôn ngữ, đối với người viết, ít nhất phải biết rất rõ về chữ được dùng để mô tả đối tượng, rồi tới ngữ pháp và văn cảnh.
Với biên tập viên, không chỉ đáp ứng điều kiện ngôn ngữ, mà cần biết rõ rất nhiều lĩnh vực liên quan đến bài biên tập. Điều kiện bắt buộc tối thiểu, BTV phải hiểu được ý của bài viết, đồng thời, phải hiểu ý người đọc khi tiếp cận bài viết đó. Một BTV tồi, ít khả năng, thiếu trách nhiệm, kết quả hiển nhiên dẫn đến đại hoạ cho tác giả, biến tác phẩm thành bức tranh biếm hoạ và gây hại cho người đọc. Bởi, thông điệp hay thông tin của tác phẩm và tác giả không được chuẩn hoá, bị biến dạng, sai lệch...
Cảm ơn về những phân tích ngữ pháp của bạn. Tôi cũng đã đi tầm sách dạy ngữ pháp tiếng Việt để học lại mà không thấy có. Quá hay: “Mọi cố gắng của người mẹ mù cũng chỉ là “hạt mưa rơi xuống hòn đá mà thôi” đành nhìn anh mang căn bệnh đó lớn dần cùng năm tháng.”
ReplyDelete1/ “Mọi cố gắng” “chỉ là” “hạt mưa rơi xuống hòn đá”, vô nghĩa, không hiểu t/g so sánh thế để chỉ điều gì?
2/ “Người mẹ mù”, mà lại “đành nhìn...” “lớn dần cùng năm tháng”. Mặc dù chỉ với nghĩa bóng, nhưng trường hợp này không thể viết thế.
3/ “Anh mang căn bệnh đó lớn dần”. Người bệnh lớn, căn bệnh lớn hay cả hai cùng lớn?
Nếu tôi là tác giả của câu văn trên, tôi sẽ phải tìm đến bạn để cảm tạ.
Cảm ơn bạn Trinh! Bài của PT không hẳn là phân tích ngữ pháp. Chỉ chỉ ra một số lỗi căn bản, nhân đọc tin tức thôi.
Delete- Bạn Trinh ở đâu, mà lại khó tìm sách ngữ pháp thế? Có thể tìm trên mạng được. Tuy nhiên, nên sử dụng tài liệu hay mua tác phẩm của các tác giả và nxb uy tín về ngôn ngữ. Và khi nghiên cứu, không cần chú trọng đến các thuật ngữ chuyên ngành ngôn ngữ. Chỉ cần để ý đến kết cấu của câu, tình huống từ ngữ, ứng dụng trạng từ, hư từ, trạng ngữ... là được rồi.
- Nên nghiên cứu về từ Hán Việt, khái niệm và quy tắc sử dụng chúng. Vì chúng chiếm phần lớn trong ngôn ngữ Việt. Nhưng lại chỉ nên dùng trong trường hợp bắt buộc, không có từ thuần Việt, hoặc bởi tính chất khoa học với yêu cầu phải chặt chẽ ý tứ. Còn lại, tốt nhất, cứ sử dụng từ thuần Việt.
- Viết nhiều và viết tỉ mỉ, có trách nhiệm với từng chữ, thì tự động biết và có thói quen sử dụng tương đối tốt, chứ không thể nhớ để vận dụng.
Đó là một số kinh nghiệm, PT xin chia sẻ với bạn!