Hải Phòng! Em và hoa phượng một thời làm nao lòng bao lữ khách. Một thời lung linh huyền diệu dưới nắng vàng mùa hạ. Giờ, không còn nữa! Sắc màu tươi đỏ, nhiệt huyết vốn là tiềm năng nội tại, rồi thì cựa mình, rục rịch, bừng nở và tàn úa. Không còn như ngày xưa, điều đó không quan trọng, chả phải vấn đề suy tư, muộn phiền hay thương xót. Em đổi thay, em vùng lớn, trỗi dậy sôi nổi, phong phú, hiện đại, hào nhoáng và lộng lẫy. Sao vẫn thấy nuối tiếc, hoài niệm hào hoa rất riêng của mệnh từ: “Thành phố Hoa Phượng Đỏ”!
28 tết, năm thiếu một ngày, niềm vui không trọn vẹn, hân hoan chưa tròn đầy! Mưa xuân và lễ hội khiến nỗi đau nào cũng như bị nhấn chìm, nỗi buồn nào cũng phải phôi phai. Vẫn biết chúng còn đó, nguyên vẹn hình thể, nén chặt sau nụ cười trên đôi môi, cặp mắt sáng ngời ước ao và những mĩ từ cùng lời cầu nguyện “Bình an!”. Dù vậy, âu cũng đáng ngợi ca cho lắm. Nhưng lời vĩnh biệt vẫn văng vẳng, những hình ảnh lễ tang cứ nhồi vào tai, đập vào mắt người háo hức đón xuân và nó hiện diện công khai, trắng trợn như thách thức, khiêu khích, tuyên chiến với mật xuân vàng óng ánh. Thắng thua là vô nghĩa, ai ở lại ai ra đi cũng vô nghĩa.
Một đám tang thường dân hiếm thấy, giống sự hư trương thanh thế, phô bày vẻ sang trọng, khoe khoang danh vị hơn điều nó cần làm. Bà cụ thọ 73 tuổi, có pháp danh kèm theo được những người sống tiễn đưa về nơi chín suối bằng thứ lễ nghi “Hoành tráng”. Dẫn đầu đám tang là đội kèn trống khoảng trăm người, lễ phục chỉnh tề, đồng nhất, khí cụ đa dạng, âm vang hùng hồn. Kế đến là đội nhạc cụ tang lễ cũng tương tự, rồi tới đội cờ quạt, phướn lọng, câu đối… toàn bằng vải nhung lụa gắn hoặc thêu nổi đủ thứ ngữ từ, lời cầu nguyện, chia buồn… Nói chung, đều thuộc hàng “Việt Nam chất lượng hảo hạng”. Tiếp đến là đoàn xe 4 chỗ ngồi (Mỗi xe chỉ chở kèm 1 người) màu đen kịt, bóng nhoáng được thuê của một khách sạn thuộc tập đoàn khách sạn quốc tế. (Từa tựa các xe tham dự hội nghị Apec đấy ạ) Nóc mỗi xe chở 1 bông sen đã nở rộ, kết bằng lụa màu vàng óng (Biểu tượng thiêng liêng cũng là đạo hạnh cao quý trong nhà Phật, ngụ ý Tâm khai mở, Giác ngộ hoặc được về nơi cực lạc của Đức A Di Đà, hoa sen nở trong ao báu).
Tiếp theo là linh xa chở quan tài cũng được quây kín bằng lụa màu vàng chóe, hai bên thành xe ghi câu niệm tiếp dẫn: “Nam mô đại từ đại bi tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật”. Thành cuối xe ghi đại nguyện của Bồ Tát Địa Tạng hiểu là, địa ngục chưa độ hết chúng sinh quyết không nhập Niết Bàn. Tiếp đến cỗ xe chở linh ảnh và chất ngất vòng hoa. Ngộ nghĩnh ở chỗ, những vòng bằng hoa cúc màu vàng là biểu tượng của Phật giáo lại được xen lẫn vòng hoa xung quanh màu đỏ bao bọc hình chữ thập kết bằng các hoa màu tím (Biểu tượng của Thiên Chúa Giáo) và các vòng hoa bình dân khác. Cuối cùng, không biết có bao nhiêu xe loại 16-24 chỗ tháp tùng tang lễ, chở con cháu, họ hàng, quyến thuộc, thân bằng hữu nữa. Vàng mã đủ loại rải khắp đường đến đài hóa thân Hoàn Vũ của thành phố Hoa Phượng Đỏ.
Như vậy, ngụ ý của người tổ chức lễ tang rõ ràng tỏ lộ kì vọng, mong cho người quá cố nếu không vãng sinh Cực Lạc quốc thì cũng về với nước Thiên Chúa, xum họp cùng các bậc đắc quả Thánh. Tất nhiên, nguyện vọng là chính đáng, hi vọng là đáng ngợi ca. Ngặt nỗi, người làm tang lễ lại chả hiểu gì về cách thức trợ tử cho người chết đạt kết quả như ý nguyện, thậm chí có thể biết chắc chắn họ sẽ được đến nơi nào. Và phải thú thực một điều, không hiểu gì về Đạo cả, dám chắc một câu A Di Đà cũng không biết để làm gì nên mới bày vẽ, kết hợp lắm trò yêu ma rối rắm như thế hòng mong phúc đức. A Di Đà Phật! Thiện tai, thiện tai!
Đoàn đại tang lễ diễu hành quanh thành phố trước khi tới địa điểm hỏa táng. Dân tình ngơ ngác, né sang 2 vệ nhường lối cho đoàn xe. Kẻ tò mò hay ngưỡng mộ nhập chung vào. Người trầm trồ tán thán bằng câu “Nhiều tiền nhỉ!”. Mấy em bé rách rưới đua nhau chạy sau đoàn xe để nhặt những đồng tiền lẻ họ ném xuống gọi là tiền cầu, tiền quán của người chết. (Chỗ này thuộc về Đạo giáo). Phật cho cơ hội rồi đấy thôi, Phật thị hiện rồi đấy thôi thế mà vẫn không nhận ra, cứ mải miết khua chiêng, đánh trống, thổi kèn, than khóc…Đau lòng lắm thay, thương lắm thay kẻ lầm mê tăm tối!
Vâng! Quả thực, phải nhiều tiền lắm mới làm được một đám tang như thế, phải chức tước bừ bự lắm mới đủ sức tổ chức lễ tang lớn chừng ấy. Dễ tưởng, người tổ chức lễ tang hoặc phải là một vị “Cao tăng” hoặc giả “Đức cha”, “Mẹ bề trên” hay cả thảy góp lại mới đủ để đặt danh, dán nhãn, gán phận!
Tùy duyên mà dung hòa các tôn giáo cho phù hợp trong một nền văn hóa không có gì đáng bàn. Cội nguồn của tâm linh chỉ một mà thôi, như nhau dẫu hình thái, phương thức tín ngưỡng có khác từ từng đặc thù hay lẫn lộn đi chăng nữa. Điều đáng đề cập chính ở vấn đề, liệu cụ bà có vãng sinh, có được Phật A Di Đà và Đại Hạnh Phổ Hiền, Quan Thế Âm Bồ Tát cùng thánh chúng đón rước tới cực lạc Quốc Độ hay trở về bên Đức Chúa cha hay không?
Nếu căn cứ vào cách thức tổ chức lễ tang tựa nghênh đón công chúa, cung phi kiểu ấy thì chắc chắn không rồi. Vì sao? Về căn bản, tự thân bất kì ai muốn hoa sen nở trong ao báu Tây Trúc, bắt buộc phải tự lực, phải cựa mình, xuyên mầm qua lớp vỏ chướng tục. Ngoại lực hỗ trợ chỉ đóng vai trò tăng tốc cho con thuyền đã xuôi dòng đang căng buồm mà thôi. Gió yếu ắt phi tác dụng, gió ngông cuồng như giông tố, lũ lốc thì quật ngã hoặc làm đổi hướng thuyền. Mặt khác, bản thân con thuyền một kki đã biết hoặc tin tuyệt đối và chắc chắn sẽ đi về đâu thì nó cũng biết sử dụng hay nương vào tha lực như thế nào cho lợi ích muôn phần chứ chẳng cần bày vẽ lắm trò rườm rà, rắc rối đến thế mà chả được gì cả. Đấy là chưa kể, lối hành xử đó biến thành cản lực vô cùng lớn cho con thuyền đang lênh đênh giữa biển cả mênh mông vô định.
Cuối năm, đi Hải Phòng gặp duyên thì nói vài lời. Đúng sai, phải trái không phải vấn đề quan tâm. Cầu nguyện cụ bà gắng sức vãng sinh Cực lạc quốc để hưởng niềm vui vĩnh hằng và giải trừ bớt oan nghiệp cho những người tổ chức đám tang có liên đới!
Hải Phòng: 28 tháng chạp, Bính tuất
Phú Tuệ kính bút.
No comments :
Post a Comment