(Cung chúc Nguyễn Nguyễn Phục Quang và bạn bè thành hôn vào mùa cưới 2007!)
Chợt thấy bạch trà bung trắng trắng
Bỗng nghe Nghê Thường tấu vang vang (1)
Trước cửa bồ câu nhắn nhắn tin
Bên thềm hồng nhạn báo báo hỷ.
Hé mắt-khép mưa, kéo kéo nắng
Khẽ cười-chốt đông, chào chào xuân
E ấp-cô dâu, đầu tựa tựa
Bảnh bao-chú rể, tay ôm ôm.
Dâng hương tỏ lòng hiếu hạnh hạnh
Cúi lạy tạc dạ nghĩa tròn tròn
Ngũ quả năm hành, tương tương hợp
Nhị kim đôi tâm, ý ý đồng. (2)
Khăn đóng nhắn lời nhớ nhớ cội
Áo dài ngỏ tiếng ghi ghi nguồn
Long phụng xum vầy nên hỷ hỷ
Hai họ tề tựu thành gia gia.
Tổ tiên tán hưởng khen nức nức
Song đường vừa lòng mừng vui vui
Ông tơ hớn hở óng óng kết
Bà nguyệt háo hức vàng vàng se.
Anh em xa gần tụ tụ đến
Bằng hữu tứ phương chảy chảy về
Ngực trái-veston, hoa rực rực
Phải mình-váy cưới, vai kề kề.
Mặc sức càn khôn vẫn xoay xoay
Tưng bừng thế hội cứ chuyển chuyển
Hào khí Tân lang lan lan toả
Đồng thanh Nương tử rộn rộn lây.
Nâng chén cung chúc, chúc chúc duyên
Phục nguyện ý cầu, cầu cầu phúc
Uyên ương muôn thưở tơ hồng hồng
Phù du một kiếp tình thắm thắm!
Quê lụa, ngày 29/12/2007
Lâm Kiến Nhật
Ct: 1/ Nghê Thường, khúc nhạc quyến rũ và hạnh phúc tuyệt vời.
2/ Nhị kim, ý chỉ đôi nhẫn cưới.
PT gửi gắm lời chúc hạnh phúc chân tình tới vợ chồng anh Phục Quang và sắp tới là lễ thành hôn của anh Nguyễn Toàn! Thằng em ở xa quá, quá hành không nổi, đành nhả vài lời tự đáy tâm can tỳ phế cung chúc các anh vậy. Cũng như thế, xin gửi thông điệp với hàm ý này đến các bạn đồng niên, anh em, đồng chí đồng đội, đồng nghiệp khắp bốn phương đã và sẽ tổ chức lễ cưới trong năm nay (theo lịch âm)!
Nhân đây, PT xin chia sẻ vắn tắt một ít quan niệm dân gian về lễ cưới và cũng là để lời chúc thêm đậm lòng thành. (Những đối tượng được nhắc đến chỉ giới hạn trong phạm vi đám cưới mà thôi):
Một là Vũ khúc Nghê Thường:
Lừng danh đời Đường, dưới sự thể hiện của các nghệ sĩ ở Tây An. Theo truyền thuyết, một đêm Trung thu, vua Đường Minh Hoàng thấy trăng sáng, mơ ước được đặt chân lên cung hằng thăm thú. Đạo sĩ La Công Viễn có phép tiên nên dùng dải lụa trắng,hóa thành cầu đưa nhà vua đến nguyệt điện. Trong điện lưu ly sáng rực, các nàng tiên đẹp tuyệt trần với những bộ xiêm y lộng lẫy, uyển chuyển múa hát theo tiếng nhạc du dương mê hồn. Đường Minh Hoàng ngây ngất, quên cả trời gần sáng. Khi trở về triều, Đường Minh Hoàng vận dụng trí nhớ, cùng Dương Quý Phi chế thành khúc "Nghê thường vũ y", rồi tập cho cung nữ trong triều múa hát. Đến đêm rằm tháng Tám, Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi cùng uống rượu dưới trăng, ngắm đoàn cung nữ múa hát khúc Nghê Thường để tưởng như đang sống trong cung Quảng Hàn nơi nguyệt điện.
Hai là Thanh Long (rồng xanh):
Là một và đứng đầu trong tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng) và là vua của các loài thú. Thanh Long đại diện cho sự dũng mãnh oai hùng, tài trí vượt trội, chí khí hiên ngang, xứng danh Mạnh Thường Quân và bậc trượng phu, tung hoành ngang dọc tứ phương. (Có lẽ do vậy nên hình thành tư tưởng, con gái lấy chồng là để nhờ vào chồng (chỗ dựa) và người đàn ông luôn giữ vai trò trụ cột trong gia đình, đảm đương, ghánh vác trọng trách lớn lao nhất.)
Ba là Phượng Hoàng:
Là một và đứng vị trí cuối trong tứ linh và là nữ hoàng của các loài chim. Phượng Hoàng là biểu tượng của đức hạnh và vẻ duyên dáng, thanh nhã, cũng biểu thị cho sự hòa hợp âm dương. Theo truyền thuyết, Phượng Hoàng xuất hiện trong thời kì hòa bình, êm ấm và thịnh vượng. Phượng Hoàng là biểu tượng cho quan hệ hạnh phúc giữa chồng và vợ, một kiểu ẩn dụ khác của âm và dương. Ngoài ra, Phượng Hoàng còn biểu hiện cho khả năng hồi phục kiên cường sau thất bại, đổ nát… (chỗ này, thực tế thấy nhiều người đàn ông vươn lên nhờ vợ… hớ hớ hớ… chả có gì đáng xấu hổ cả). Ở góc độ xem tướng hình thì nên chọn vợ có tướng vượng phu ích tử (tốt cho chồng và lợi cho con). Tuy nhiên, tâm tướng luôn quyết định hình tướng.
Khi Thanh Long đi chung với Phượng Hoàng thì đó là biểu tượng của cuộc sống vợ chồng hạnh phúc! (Thanh Long bên trái, Phượng Hoàng bên phải). Thanh Long là Rồng Xanh, Phượng Hoàng là Chim Lửa. Âm dương phân cực rõ ràng, thuỷ-hoả đối nghịch, thể hiện cho người nam và nữ. Khi ở độc lập thì xung khắc, khi giao duyên thì thuận hoà, đơm hoa kết trái, sinh sôi nảy nở. Sự giao duyên được hiểu như là một cách vừa trợ giúp mặt tốt, vừa khắc chế mặt xấu của nhau… nên mới thành tựu! Bằng không thì… em không biết đâu ạ.
Bốn là hoa cưới:
Trước nhất, hoa cưới thể hiện vai trò là thảo (cỏ cây), thuộc hành mộc, chỉ sự tươi tốt, xum xuê… Như vậy, kết hợp lại thì tương ứng với thiên (Thanh Long), Địa (Phượng Hoàng), nhân (cỏ cây) và đồng thể hiện tính giao duyên của vạn vật trong trời đất. Nếu giao duyên và hoà hợp một cách tự nhiên tức là thể hiện tính của Đạo. Đạo là đời và ngược lại. Đạo thì thường hằng trường tồn và bình yên!
Trong đám cưới, hoa cho đôi uyên ương cũng truyền tải đặc tính riêng theo ngôn ngữ và màu sắc từng loại hoa được chọn. Bó hoa cưới, thường thì đều có hoa Call, với ý nghĩa chỉ sắc đẹp lộng lẫy (đời người phụ nữ, ngày cưới là đẹp nhất mà). Hoa phải do chú rể mang tới dâng tặng và cô dâu sẽ ôm trong suốt quá trình cử hành hôn lễ. Bây giờ, hoa cưới được kết bằng nhiều loại hoa khác nhau, tuỳ sở thích nhưng bất cứ bó hoa cưới nào cũng phải có những sợi lua tua hoặc bằng dây hoa thật hoặc bằng dây lơ nhựa hay lụa. Dây này là dải Thường Xuân ngũ sắc, một loại cây leo khá phổ biến… với đặc tính quấn quýt bên nhau, luôn vươn cao và dễ sống ở cả những nơi điều kiện khó khăn hay thời tiết hà khắc. Thường Xuân tượng trưng cho sự khăng khít thuỷ chung, gắn bó khăng khít và mãi hạnh phúc bên nhau trong suốt cuộc đời vợ chồng như lúc còn trẻ (chính xác là như lúc cưới nhau).
Năm là Nhẫn Cưới.
Cái này thuộc hành kim… ai cũng biết rồi nên em không bàn tới nữa. Với lại, hành này khí lạnh lắm đấy ạ… há há há…
No comments :
Post a Comment