21.3.08

Thiền và thiền sư (Entry for March 20, 2008)





Thiền Luận 2

CUỘC CÁCH MẠNG CỦA TÂM HỒN

Vấn đề này đáng lẽ phải có một tạp chí nào đó của VN đưa ra lâu lắm rồi thì mới phải. Cả nước Mỹ ngày nay không người nào lại không nghe đến chữ Thiền. Tất cả những tín đồ Ki-Tô Giáo đều biết đến chữ này và họ hay dùng chữ này cùng với kỹ thuật tập trung tâm về với Chúa của họ. Việt Nam là một quốc gia châu Á, nơi mà đã ngàn năm người ta nói mãi về chữ Thiền, có liên quan đến Phật Giáo lại chưa được đưa vấn đề này lên một tờ báo công luận để mọi người rộng bàn.





Thường thì việc này chỉ được một số tu sĩ Phật Giáo nhắc đến theo các kinh của Phật Giáo hay theo các tài liệu truyền dạy riêng của những bậc Tiền bối xa xưa, đặc biệt là Đức Bồ Đề Đạt Ma. Vấn đề này trước đây chỉ được giới thiệu hay nhắc đến từ trong các tôn giáo như trường hợp Bồ-Đề Đạt-Ma truyền dạy bên Tàu thời vua Hán Vũ Đế.


Ngày nay, vấn đề này khá phổ biến trên toàn thế giới. Nhiều người hiểu rằng việc này là của tôn giáo và có liên quan đến tôn giáo nên không được coi trọng việc phổ biến trong đại chúng. Chính vì vậy, tôi rất ủng hộ chuyên đề này của Tạp Chí Ngày Nay. Đây là vần đề rất nền tảng cho mọi thành tựu của loài người, trong đó có vần đề chấm dứt đau khổ xảy ra hàng ngày trong đời sống.

Thiền là nền tảng của tình thương yêu chân thật; là nền tảng của trí tuệ siêu việt, trí tuệ mới toanh, trí tuệ đột phá cái cũ để mở ra chân trời mới; là nền tảng của trí tuệ diệt khổ đau; là nền tảng dẫn con người đến hành động hoàn chỉnh không để lại một sự hối tiếc nào; là nền tảng phát sinh của các hình thức đạo đức phù hợp cho văn hóa của mỗi cộng đồng; là nền tảng hoàn thiện nhân cách phù hợp với thời đại và nền văn hóa và văn minh mà con người ấy đang lớn lên; là nền tảng cho một con người có nhu cầu toàn thiện của thế giới và phù hợp cho từng cộng đồng văn hóa khác biệt.

Thiền sẽ giải phóng con người ra khỏi cái cũ rích của nó. Vì thế, chúng ta cần phải hiểu thật rõ về thiền là gì. Nếu không, chúng ta cứ tiếp tục sống trong bóng đêm của khổ đau.

Các cách trình bày và dẫn chứng dưới đây có thể chồng lắp lên nhau nhưng cần thiết.
1. Thiền là thấy biết trong trạng thái tâm trống rỗng hay tĩnh lặng.Tâm trong trạng thái hoàn toàn tĩnh lặng, không còn khái niệm về thời gian và không gian, tâm ở chỗ vô hạn: tâm này gọi là tâm đạo, cũng có thể gọi là tâm thiền. Mọi sự thấy và biết trong điều kiện này của tâm được gọi là từ đạo mà thấy và biết. Mọi ý nghĩ, lời nói và hành động trong điều kiện tâm tĩnh lặng thì được gọi là phù hợp với đạo nên tự nó hoàn chỉnh và không để lại hậu quả hối tiếc. Sự thấy biết trong trạng thái tâm tĩnh lặng còn có tên khác để ám chỉ là sự tĩnh thức.





Ví dụ một người phi công đang lái máy bay trên bầu trời: người phi công này đang trong trạng thái tỉnh thức cao độ. Trong trường hợp gặp thời tiết rất xấu hoặc tình huống khẩn cấp, người phi công phải tập trung một cách tuyệt đối để điều khiển an toàn chuyến bay. Người này không lo xa, không suy nghĩ gì khác ngoài sự tập trung quan sát tình trạng kỹ thuật của máy bay, quan sát bầu trời, quan sát không gian và thời gian, lắng nghe các chỉ thị dưới mặt đất, quyết định xử lý các tình huống phù hợp nhất có thể.

Người phi công này đang tỉnh thức và lúc này tâm đang ở trong trạng thái hoàn toàn tĩnh lặng, rỗng không, rất nhạy cảm và linh hoạt, tâm lúc nầy rất tinh anh vì đang ở trong tình trạng rỗng không nhưng người phi công này không thể biết là tâm mình đang rỗng không. Như vậy, muốn tâm rỗng không thì cơ thể, cái đầu và tâm phải làm cùng một việc. Điều đặc biệt ở đây là cơ thể phải vận động. Trong tình huống này, cơ thể, não bộ và tâm của người phi công hoàn toàn thống nhất vào một việc, điều khiển máy bay thật an toàn. Trong đời sống hàng ngày, bạn có thể thấy sự rời rạc hay chia chẻ giữa cái đầu, thân và tâm. Khi cơ thể của bạn đang vận hành trong việc ăn, tâm bạn không tập trung nhìn và hiểu thật rõ các thực phẩm khác nhau một cách vô tư, và đầu óc bạn lại nghĩ về một chuyện khác bên ngoài. Ăn như vậy sẽ mất chân thiện mỹ trong ăn uống. Bạn vừa ăn vừa thiền. Hoăc như khi bạn đang bước vào nhà sau những ngày đi xa và vợ bạn mừng rỡ chào bạn. 

Nếu bây giờ mắt bạn chăm chú nhìn người vợ như chính người ấy đang là... mà đừng có ý kiến gì, chỉ quan sát thôi, bộ não của bạn đừng làm việc gì khác ngoài việc giúp cho tâm tập trung vào sự nhận biết rõ ràng hình ảnh của người vợ như cô ấy đang là… thì tức khắc một năng lượng tình yêu xuất hiện vượt ra khỏi mọi giới hạn của kinh nghiệm! Bạn sẽ có cơ hội khám phá ra một thứ tình yêu vô biên và bạn không còn nhớ đến thời gian và không gian nữa. Thời gian và không gian sẽ không tồn tại ở đây nữa. Tâm bạn sẽ là vô hạn và thứ tình yêu này chính là thiền và bạn sẽ là một bản ngã tuyệt đẹp mà bạn không thấy một bản ngã nào hiện diện ở đây nữa, vì bạn đang quan sát thật tập trung và tâm trở về tĩnh lặng. Nếu bạn học về tư thế ngồi thiền trong sách vở, rồi bạn thực hành các tư thế điều thân cho ngay ngắn, điều hơi thở, đọc vài ba câu hay chữ gì đó có vẻ linh thiêng, rồi điều tâm theo một hướng nào đó đề đạt một sự tập trung thì bạn sẽ thấy kết quả là tâm bạn sau một thời gian sẽ đờ đẫn, gương mặt sẽ có vẻ “lim dim”. Nhưng ở đây, sự “lim dim” sẽ có một thứ hiểu biết của bản ngã kinh nghiệm sẽ phát sinh. 

Thứ hiểu biết này bảo vệ và che chở cho sự “lim dim” này và nó sẽ sản sinh ra nhiều thủ thuật để bạn có thể thành công và nổi tiếng vể hình ảnh của người chứng đắc. Bạn có thể thành công về danh và lợi nhưng hàng ngàn người phải trả những gía đắt cho cuộc đời của họ. Bởi họ quá vô minh, quá sợ hãi hay quá đau khổ trong cuộc sống nên họ mê tín bạn và họ trở thành con chốt trong bàn cờ tướng (chứ không phải trong cờ vua: loại cờ này con chốt có thể trở thành hoàng hậu có sức mạnh hơn cả vua). Con chốt ấy không thể linh hoạt như xe, pháo hoặc mã được vì tâm hồn của họ không còn tự do nữa, nó là loại tâm hồn nô lệ và phục tùng. Nếu bạn bảo họ uống nước dơ, chui vào bao bố ngủ chung với ai đó để được cứu rỗi… họ sẽ làm ngay và cảm thấy được cứu rỗi! Đó là triệu chứng phá hủy sự linh hoạt của tâm. Trường hợp này, tâm bạn không thể sáng tạo gì mới ngoài các ý nghĩ xuất hiện và nói rằng bạn đang đi vào chứng đắc! Không có cái gì gọi là chứng đắc cả. Sau bao nhiêu năm tháng chồng chất những kinh nghiệm trong cuộc sống, tâm bạn trở thành quá già nua và bị đóng khung trong thế giới kinh nghiệm ấy như học thức, niềm tin tôn giáo, các kỹ năng đối phó với đời… Tất cả những thứ ấy hình thành một thứ lo-gic riêng của bạn và bạn sẽ dùng thứ lo-gic này để đánh giá và phán quyết mọi chuyện trong đời! Đây chỉ là lo-gíc của “ếch ngồi đáy giếng”, đáy giếng này chính là kho kinh nghiệm cũ rích của bạn.

2. Khi một người quan sát một cách tỷ mỷ mọi diễn biến của ý nghĩ, của cảm thọ, của các lời nói và các hành động tức người ấy đang tập trung một cách tuyệt đối để thấy và biết. Tập trung để thấy và biết như một nhân chứng trung thực. Cách tập trung chú ý ấy gọi là thiền, hay gọi là người ấy đang thiền.

Thí dụ, anh quan sát về chính anh trong một ngày. Anh quan sát các hoạt động của thân và các diễn biến của tâm từ những ý nghĩ, cảm xúc, tình cảm, lý luận, những điều tưởng tượng, những phân tích và tổng hợp, những quyết định… đối với vợ, với con, với bạn bè, với các đồng nghiệp. Anh quan sát và thấy rõ chúng bắt đầu từ sáu giờ sáng đến sáu giờ chiều. Anh không bỏ sót chi tiết nào. Anh cứ làm thử xem anh sẽ thấy lúc ấy bản ngã của anh sẽ không xuất hiện; lúc ấy tâm anh rất tập trung (để quan sát và biết), tâm anh rất linh hoạt.





Lúc ấy, tâm anh tĩnh lặng hay trống rỗng. Như vậy anh đang sống trong tỉnh thức. Ấy là anh đang thiền. Như vậy, anh sẽ thấy những sự việc diễn ra trong thời gian ấy, với sự quan sát và nhận biết vô tư của chính anh, đều nằm trong toàn bộ cuộc sống của anh. Như vậy, tất cả cái gì trong cuộc sống của anh đều là một phần của thiền hay là một phần của đạo. Ý tôi muốn nói là khi anh từ tâm đạo, tâm tĩnh lặng để quan sát và nhận biết thì anh sẽ khám phá được Đạo của tâm và Đạo của trời đất. Với tâm ấy, anh sẽ nhận ra rằng trong cuộc sống hàng ngày, không có cái gì ngoài Đạo cả! Nhưng anh phải sống trong trạng thái tâm ấy. Như vậy, nếu anh chưa quen tập sống như vậy thì ít nhất anh cũng biết rằng khi nào, trong trường hợp nào, ý nghĩ nào, và việc nào đã diễn ra phù hợp với Đạo và cái nào chưa. Điều này sẽ giúp anh tiến tới chân thiện mỹ của tâm được giải thoát hay tâm tự do. Giúp anh hình thành phong cách hay một thứ văn hóa mới, văn minh mới, văn hóa và văn minh của tâm giải thoát của chính anh để tránh mọi xung đột đưa đến đau khổ.

Để tạm kết luận cho bài này: Tâm tập trung như vậy thì sự tĩnh lặng xuất hiện. Thiền như vậy là cách duy nhất để đưa tâm về sự tĩnh lặng nguyên bản của nó. Thiền là điều kiện duy nhất để đưa bản ngã hòa nhập vào đạo. Là cách duy nhất đưa tâm về trạng thái linh hoạt và sống động. Tâm của anh luôn luôn mới. Một cái tâm như vậy mới đủ sức có những sáng tạo vượt ra ngoài kinh nghiệm của thế gian trong quá khứ, như vậy anh không chạy theo kinh nghiệm của ai cả, mà anh cũng chẵng chạy theo kịp họ đâu. Mà thật ra thì mọi kinh nghiệm đều là rất cũ và chúng ta cũng không thể kết luận rằng những gì người khác làm ra là tốt được. Không có cái gì có thể trở thành tiêu chuẩn cho con người cả, ngoại trừ lấy sự tĩnh lặng của tâm làm tiêu chuẩn. Phải luôn mới thì bạn mới hạnh phúc và bạn không phí thời gian và tiền của chạy theo ai cả. Thiền như vậy, tất cả kho tàng kinh nghiệm của anh không còn nhuộm màu trong tâm anh nữa và những kinh nghiệm của người khác không thôi thúc anh đến mức căng thẳng. Anh không còn là tên nô lệ của những kinh nghiệm chia rẽ, mâu thuẫn, xung đột và hủy hoại giá trị và nhân phẫm con người. Thiền như vậy sẽ đưa tâm anh về cõi vô tư, cõi phán quyết tự nó, theo lo-gic của nó chứ không theo những lo-gic của kinh nghiệm tai hại nơi chính anh. Anh không thiền như vậy thì dù anh có đức tin với bất kì Đấng nào chăng nữa cũng sẽ là tên đồ tể cho chính anh và cực kỳ nguy hiểm cho loài người! Nhưng nếu anh có thiền như vậy, anh sẽ là người hòa nhập trong đức tin mà không còn bản ngã riêng rẽ để xung đột với những đức tin khác. Lúc bấy giờ, anh không còn thấy Thiên Chúa hay Đức Phật hay các Thánh Nhân nằm ngoài anh đâu đó, bởi vì bản ngã không xuất hiện.

Nương vào tâm thanh tịnh, tôi cầu nguyện các Đấng Thiêng Liêng hãy cứu giúp các bạn sớm thành tựu thiền định như là một cuộc cách mạng triệt để của tâm hồn mình, để giúp các bạn thành con người thật đẹp của thế giới này, góp phần làm cho thế giới ngày càng đẹp, nghĩa là giảm dần sự đau khổ trên toàn thế giới.


California ngày 16/1/2006.

Duy Tuệ

No comments :

Post a Comment

Định dạng nhanh toàn Blog

Bản quyền thuộc Người lính Việt,Blogger-@2014-Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024,tỉ lệ 100-125%.

Trang chủ | About Me | Chuyên trang video quân đội | Chuyên trang người lính với cộng đồng | Liên hệ