17.4.08

....Ăn chơi... (Entry for April 16, 2008)


“Tháng Giêng là tháng ăn chơi…”


Một thực tế tựa phong tục tập quán của nhân dân khắp các miền được ghi nhận dưới dạng văn học dân gian đã như không còn chỗ đứng trong xã hội hiện đại ngày nay. Nét đẹp tao nhã gắn với thuần phong mĩ tục, có vẻ nghiêng về phần tâm linh cùng sắc cảnh thảnh thơi, thư thái từng đồng hành tựa nét đẹp rất riêng, rất truyền thống của người dân Việt Nam trong suốt quá trình phát triển đang dần biến thành gánh nặng, thành nỗi thống khổ của nhiều mảnh đời bất hạnh và của tất cả những người may mắn hơn mà có lòng trắc ẩn đối với kẻ khốn khổ khác. Vẫn biết, trên đôi vai mỗi người sẵn phải mang vác những trách nhiệm nặng nề riêng biệt, không ai có thể đủ sức đèo bồng hộ ai. Mỗi người phải tự mang lấy như mang cái vận mệnh vốn dĩ phải mang, tất nhiên, vận mệnh ấy phụ thuộc vào bản thể từng người với tư cách là thân chủ của nó và điều đó chỉ có thể thuộc nơi những người được coi là đã đủ trí lực để làm chủ, kiểm soát nó.


Còn trước đấy, vẫn hiện diện hình hài một con người nhưng trừ ra bậc anh tài nở sớm hiếm như chăn bông mùa hè và trường hợp đặc biệt vốn ngự trị tư chất của vị thánh giáng trần hay những người điên bẩm sinh thì không ai dám khẳng định. Có nghĩa, vận mệnh, số phận cuộc đời họ phụ thuộc hoàn toàn vào những người đủ lớn. Có thể một người, hai người, ba người hay vô số người mà đã tạo thành thứ trách nhiệm chung. Chung bởi lẽ, chẳng ai mang nổi số phận của hai người trên một thân thể vật lí, ở đây, không trừ ai cả. Dĩ nhiên, nếu chia cuộc đời thành từng giai đoạn nhỏ thì không khó lắm. Tuỳ trường hợp cụ thể, thậm chí, một người có thể “cứu vớt” hàng tá cái số phận của hàng tá đứa trẻ theo nghĩa tích cực. Ngược lại, người ta thay bằng từ “đẩy” dù vô tình hay cố ý, trục lợi hay không trục lợi cũng chẳng cải thiện được chút gì cho tuổi thơ - những mảnh đời còn chưa cắt nghĩa nổi hai từ “số phận”...

Photobucket
Tiết trời độ xuân thường mưa lất phất. Không khí ẩm ướt. Gió hiu hiu lạnh. Đường nhẫy nhẹp dính nhớp. Người người ùn ùn đi khai hội tại các địa danh ngự tít mù tắp trên đỉnh núi. Xe công xe tư. Xe lớn xe nhỏ. Biển màu biển trắng… đủ tất. Kẻ ghánh người khiêng. Bưng, bê, đội, vác lỉnh kỉnh lễ vật. Bồng, bế, dắt díu lũ lượt nhích từng bậc lên đỉnh, nơi toạ lạc của chùa hay (và) đền thờ mẫu. Quãng đường dốc tương đối bắt người ta phải cởi áo ấm, lột mũ, khăn, bao tay và cả giầy. Mồ hôi nhễ nhại, mồm mũi tranh nhau thở. Ấy thế mọi người vẫn cười nói râm ran, có lẽ nhờ sức oai thần của tiên, thánh hay hoặc ngỡ cái không khí lễ hội với ý nghĩa vãn cảnh du xuân chăng? Kì thực là việc cả đấy chứ, không thế tội gì phải hành xác, phải tốn kém? Muốn biết ai giàu có nghèo hèn, thu nhập cao thấp, tri thức công nhân, sinh viên học sinh... cứ nhìn vào lễ vật dâng cúng khắc rõ. Không kể số người hiếm hoi vãn cảnh với tư cách “tao nhân mặc khách” thì tuyệt đại đa số đều mang chủ ý cầu thông thánh thần phù hộ, độ trì hoặc giả tha thứ tội lỗi, giảm bớt oan nghiệt. Kể ngay những người thành tâm cầu phúc lành cho xã hội muôn loài cũng đan cài phần của mình trong đó.

Photobucket
Từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới, hai hàng người đủ sắc màu thi nhau nhúc nhích. Nhìn từ xa tựa hồ một dòng thác sẻ dọc quả núi. Xuôi xuôi, ngược ngược. Chốc chốc người lên hỏi kẻ xuống “sắp tới chưa hở bác?”. Và câu trả lời ước lệ hầu như na ná mang tính động viên “sắp rồi, cố lên!”. Đi lễ phải đi bằng thiện chí chứ đi bằng chân như kiểu vận động viên leo núi thì có tác dụng gì và khó mà lên được đỉnh để cầu phúc lành. Con người vẫn luôn làm được những việc ngoài sức tưởng tượng của mình một khi quyết tâm, đặc biệt đối với những ai may mắn có được mơ ước tầm cầu đức tin. Tức là, phần tâm linh phát triển, lòng từ tâm rất lớn, đức hạnh cao vời, nhân ái, từ bi hoà cùng dòng máu, nhịp đập con tim... Không thế, việc gì phải nhọc công, nhọc sức đi chùa ở tít tận “chân mây” thế này?

Photobucket
Quả thực, hễ đền chùa, miếu mạo nào càng ở nơi hẻo lánh, xa xôi, càng cao tít cao tắp, càng núi rừng trùng điệp, càng hang hốc hiểm hóc thì càng mang dáng vẻ trầm mặc, thanh tịnh và linh thiêng. Nhưng ấy là thời kì sơ khai, khi các bậc thượng nhân thiết lập đạo tràng. Lúc đó, họ không hi vọng, không muốn nhìn thấy và thậm chí không hề nghĩ đến giờ này đạo tràng biến thành địa danh, địa danh biến thành danh thắng, danh thắng biến thành phồn hoa đô hội, ít nhất cũng vào mùa trẩy hội. Rồi xây dựng trùng tu, tiệm ăn nhà hàng, khách sạn nhà nghỉ lũ lượt mọc lên như bức tường thành bảo vệ thánh địa. Nghịch lí! Nhìn lên nhìn xuống, nhìn sâu bên trong, nhìn rộng bên ngoài, nhìn gần nhìn xa, nhìn về quá khứ, nhìn ở hiện tại đều nghịch với cụm từ “thanh tịnh linh thiêng”. Mỗi tương lai thì không dám chắc. Có điều, rõ ràng ai cũng biết, hôm nay thế nào ngày mai sẽ thế ấy. Và vì lẽ đó, tôi nói tới hiện tại, những ngày trẩy hội và cả những ngày không trẩy hội...

Photobucket
Sáng. Trời vẫn vừa khóc vừa ngủ gật khiến cảnh núi rừng thêm phần âm u nhưng mọi người đã rất tỉnh. Người ta thi nhau đổ về khu danh thắng từ khắp nơi. Du xuân và lễ hội, ở đâu cũng thế, dù lớn hay bé, dài hay ngắn đều rất cần thiết. Trong không khí đó, con người như xích lại gần nhau hơn, bao dung và nhân ái hơn, mọi nụ cười, ánh mắt đều trở nên thân thương, độ lượng giống như ánh đạo vàng đã tô điểm, thấm nhuần trong mỗi tâm hồn người, dễ dàng bỏ qua mọi thù hận, mọi nỗi buồn. Cũng dễ dàng dang tay nâng đỡ những cuộc đời khốn khổ mà không cần báo đáp. Nhưng phải thú nhận với nhau rằng, cách thể hiện tâm ý ấy nhiều khi thêm phần tai hại!

Lẫn trong biển người du hội có những mẩu đời sáng như pha lê, trong như ngọc. Tiếc thay, người ta đang cố tình tạc vào đó những vết sước cho dần thành vết rạn, nứt rồi vỡ vụn, để lại trong hàng ngàn tấm lòng từ bi những vết sẹo không bao giờ liền mà tưởng như nó không được hình thành từ vết thương cụ thể nào. Giống như một căn bệnh không rõ nguyên nhân nói gì đến việc tìm kiếm phương thuốc đặc trị. Bệnh tật sinh từ nhiều nguyên nhân hoặc vô tình hoặc cố ý dù biết hay không biết nên thật khó lòng phòng tránh hữu hiệu. Cách chữa cũng tương tự nhưng dùng cách nào, mục đích cuối cùng là phải khỏi bệnh, cho tuyệt nọc dẫu phải chịu đau đớn, dẫu phải chịu đắng cay một vài lần, hay hơn. Nghĩ và nói bao giờ cũng dễ, cũng đơn giản hơn thực tế nhiều, thậm chí, như không thể với tới được. Quy luật phát triển là từ nhỏ đến to, từ bé đến lớn, từ thấp đến cao, từ hiện tại đến tương lai... Con người cũng thế, không khác.

Bầy trẻ ở chân núi. Nhìn chúng, dễ liên tưởng đến bang hội cái bang trong phim võ hiệp. Mỗi đứa cầm vài cây gậy trúc nhỏ vây quanh từng đám du khách nài nỉ: “Cô, chú ơi! Làm ơn làm phước mua cho cháu cây gậy leo núi. Hai nghìn một cây, cô, chú ơi!”. Có người mua người không và người kì kèo: “Một nghìn thôi mày. Làm gì mà cắt cổ thế?”. Bán! Giá nào cũng bán, kệ cái tâm trạng người mua vì lòng thương hại hay thực sự cần một cây gậy làm bạn leo núi ra dáng bộ đội vượt trường sơn một thời oai hùng. Xem chừng đắt như tôm tươi. Chỉ cần vài phần trăm số du khách mua là quá đủ nói lên một môi trường bán buôn thịnh vượng. Chẳng bao giờ lâm vào tình trạng “cháy hang” dù “nhà sản xuất” không phải có hàng tích trữ sẵn, mà muốn vậy cũng không được bởi những cây gậy khô khốc, trắng bệch chẳng thể nào quyến rũ các “thượng đế”, nó thiếu cái màu xanh non tơ, màu xanh thẩm mĩ, trẻ trung và hi vọng. Tâm lí khách hàng luôn thích những thứ tươi mới, tràn trề nhựa sống…

Photobucket
Nghề nào nghiệp nấy, những thương nhân tí hon biết sử dụng triệt để lợi thế của mình để cung phụng cho sự nghiệp kiếm tiền rất hiệu quả. Họ hợp thành nhóm, phân công công việc cụ thể, kỉ luật khá chặt chẽ, nghiêm ngặt dù mọi hợp đồng chỉ dừng lại ở mức giao ước bằng mồm. Những đứa lớn tuổi, đủ sức leo núi thì “đóng chốt” tại các đền thờ, chờ khi người ta vì phải dâng cúng lễ vật, bỏ gậy một nơi thì “cuỗm”, gom thành đống rồi “tuồn” xuống chân núi cho những đứa bé hơn vừa rao bán vừa xin lại gậy của những người đã xuống núi mà chưa bị mất. Thế là chỉ mất một lần công đi chặt gậy, sau đó xoay vòng cho đến khi hàng “hết hạn sử dụng” mới bổ sung. Tưởng đơn giản thế nhưng không hề nhẹ nhàng chút nào. Tổng thu nhập chia đều theo đầu người vào mỗi cuối ngày.

Phương cách kinh doanh của những đứa bé được biết đến nhiều qua những thương gia nổi tiếng thiếu lòng trung thực. Nhưng điều ngạc nhiên ở chỗ, khi hỏi “học lớp mấy?” thì chỉ có câu trả lời cộc lốc “nghỉ rồi”, đứa có trình độ cao nhất chỉ hết cấp một. Và không bao giờ nghĩ cách kiếm tiền như chúng thực chất đang vi phạm pháp luật. Rẻ thì vi phạm đạo đức con người dẫu giá trị không lớn trên từng sản phẩm. Cũng không ai nói cho chúng biết, kể cả những nạn nhân sau khi chắp tay thành khẩn trước điện thờ, phát hiện cây gậy đột nhiên biến mất. Có lẽ, người ta động lòng vì thấy chúng còn quá nhỏ hay vì đã lỡ khấn vái nên cần tỏ rõ lòng từ bi quảng đại? Với lại, chỉ là cây gậy, đáng gì, đằng nào leo xong cũng phải vứt đi, chết ai đâu? Phải! Không đáng để trách cứ. Hơn nữa, bọn chúng là trẻ con. Cây gậy là cây măng vừa lớn, nếu không bị chặt non chúng sẽ thành cây tre. Bọn trẻ hành nghề kiểu này cũng vậy, chúng sẽ là gì khi hết tuổi làm măng? Bất giác, nghĩ đến một câu danh ngôn: “Cây gậy có thể giúp ta khi đi nhưng lại cản ta khi bay.” Chợt thấy chạnh lòng, bước tiếp những bậc đá chầy chuội lên đỉnh, tất nhiên, không phải kiểu người ta háo hức, mong được các đấng đại từ, đại bi vô hình gia hộ, độ trì...

Photobucket
Mưa rầm. Đất đỏ cuộn nhèm nhẹp, trơn nhuồi nhuội làm mọi người phải rón rén, bám riết lấy nhau, phải bấm những ngón chân trần quen được bợ đỡ bằng giầy, dép xuống bậc. Những đứa trẻ rách rưới, lê la ven hai dệ núi. Mặt mũi lấm lem, tái nhợt, ỉu xìu nép sát dệ nhường biệt đi. Trước mặt để cái âu rách hay rổ rá gì đó để du khách tiện quẳng cho những đồng tiền lẻ. Tay cầm chiếc chổi bó bằng mấy cành cây dùng quét rác, lá cây trên bậc. Nhờ thế, lối lên chùa có phần sạch sẽ. Cứ khoảng mươi bậc lại có một đứa, tính ở mỗi dệ, còn đếm theo cách chúng ngồi so le ở cả hai bên thì chỉ năm bậc. Tất cả đều có những nét giông giống nhau. Tóc khô cứng, bờm xờm. Mặt mày phờ phạc, hốc hác. Thân hình tong teo. Quần áo nhếch nhác. Tuổi đời cao nhất chỉ trên dưới mười một chút. Đó là giai đoạn thể hồn phách và thể khí chất đang trong quá trình sáp vào nhau, hợp làm một. Hay nói cách khác, là thời điểm con người học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm, kiến thức để trở thành người đầy đủ tư cách làm chủ thẻ chứng minh thư nhân dân của mình ở tuổi mười tám, đủ điều kiện cải thiện cuộc đời, xã hội cho tươi đẹp...

Photobucket
Phải mất nhiều lần ngồi nghỉ và nhiều giờ đồng hồ, (đấy là chưa kể thời gian ghé vào những đền thờ của các cô, các cậu rải rác từ chân núi) người ta mới leo lên được những bậc cuối cùng trước cửa chùa hay đền thờ mẫu. Chân tay nhừ tử, run lẩy bẩy. Gối chùng lưng mỏi. Miệng mũi thở dốc. Khói nhang ngút trời. Mùi trầm hương đặc quánh. Tiếng tụng kinh văng vẳng, tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng khánh khua, tiếng lầm rầm khấn vái, tiếng ca trù của những thầy, cô đồng, ông, bà cốt, tiếng gió, tiếng mưa nhè nhẹ, tiếng chim hót líu lo... Mây sà sát mắt... Tất cả quyện vào nhau. Quả, tựa bức tranh đầy màu huyền bí, mộng ảo, thiêng liêng và phồn thịnh, an lành. Dường như tinh thần phấn trấn hẳn. Tham vọng, toan tính, tâm tư, buồn lo... đều tan biến. Một phút lắng thiền, một phút tịnh tâm khiến người ta có cảm giác như đang ở cõi Bồng Lai, hoàn toàn đúng với nghĩa danh xưng “Tây Thiên” vốn biểu thị một thế giới an lạc vĩnh hằng thuộc cõi của các bậc thấp nhất cũng vào hàng thượng thiện. Nơi con người luôn mong muốn được cấp tấm thẻ Visa nhập cảnh sau khi nhắm mắt tắt hơi ở cõi phàm tục này. Cái sự năng đi lễ, năng cầu khấn cũng không ngoài mục đích được thanh bình để có điều kiện tích đức, ban phát lòng từ bi đến chúng sinh muôn loài. Có thể coi đó chính là một phần lệ phí của chiếc Visa, ngõ hầu đảm bảo cho một ai đó đủ duyên vào cõi Cực Lạc.

Photobucket
Mơ ước, chuẩn bị chu đáo cho tương lai phúc lành, tươi đẹp là chính đáng, là mục đích thế giới loài người nhắm đến. Cõi vô hình tiền kiếp, hậu kiếp có tồn tại hay không không phải vấn đề bàn cãi. Nhưng đức phật Thích Ca đã từng sống với vai trò người phàm. Giáo lí đại thừa tồn tại, phát triển với chức năng nuôi dưỡng, ban bố lòng từ bi bác ái của chúng sinh mà con người có ý nghĩa trọng tâm. Kiếp người là kiếp quý nhất, đáng nâng niu, đáng trân trọng nhất! Đức hạnh lớn nhất là ban phát ân huệ, che chở, giúp đỡ, cứu vớt đồng loại cũng như chúng sinh khác. Đức Phật cũng khuyến khích con người bằng trí tuệ, năng lực, lòng từ bi nhân ái vốn thuộc bản chất của mình để xây dựng, thiết lập một xã hội, cuộc sống an lạc như thế giới Tây Phương. Nghĩa là, cõi Niết Bàn ở ngay trên trái đất, ngay xã hội loài người chứ không phải chỉ khấn vái, cầu khẩn đến tha lực của chư phật cho kí sinh nơi quốc độ vô hình lúc phút mệnh chung. Mà dẫu muốn được hưởng phúc đức lúc ấy, nhất định cả kiếp người phải tinh tấn lắm, phải nhiều công đức lắm, phải hạnh nguyện lắm, phải thanh tịnh lắm...

Photobucket
Nhưng thật đáng tiếc! Dường như người ta đang đi chệch con đường hằng cầu nguyện, lại còn ra sức bao biện cho những lí lẽ đầy tính mơ hồ, dị đoan. Tất nhiên, đó là sản phẩm của một hay một nhóm người mộ đạo nào đó chứ không phải của Như Lai Thế Tôn. Mụ mị, mê mẩn chiêm ngưỡng, thoả mãn những vật phẩm đã thổi vào và bắt nó cõng theo thứ tà khí, rồi tự cho nó là cống vật linh ứng. Đức Phật cũng như các vị tiên, thánh khác đâu cần ai dâng cúng bất cứ thứ gì, không cần ai lễ bái, cúi lạy mê muội. Điều Ngài yêu cầu ở con người là tự độ, độ tha, là thương lấy đồng loại và sinh linh! Nhưng thật lạ, ai cũng biết “cứu một mạng người hơn xây bẩy ngôi chùa”, ấy thế, nơi thờ phụng chư phật, thánh thần đầy rẫy mảnh đời đang cầu cứu, cần cứu lại không quan trọng bằng việc đứng trước tam bảo, chắp tay thành khẩn khấn vái, cầu nguyện cho bản thân, quyến thuộc...

Phật đài sừng sững. Người ngợm nườm nượp. Lễ vật chất cao ngất ngưởng. Lũ trẻ ăn xin xếp hàng và những đồng tiền lẻ lặng lẽ rơi xuống những đồ chứa méo mó, ọp ẹp. Người nhận không một lời xin xỏ hay cám ơn, kẻ cho không một lời tuyên thuyết bố thí. Cứ như thể thành cái nhẽ tất yếu, thành một công việc thường nhật tựa nền nếp đã thấm nhuần nơi mỗi người.

Photobucket
Một người phụ nữ có thân hình khẽ mập, ánh mắt hiền từ, vẻ phúc hậu bị đám trẻ lếch thếch vây kín khi thấy bà mở túi xách lấy ra xấp tiền hai trăm đồng. Có lẽ, bà ta đã hoàn toàn mãn nguyện với ước vọng của mình, giọng tươi tỉnh, dịu dàng, vừa rút từng tờ tiền mệnh giá hai trăm đồng chia cho lũ nhỏ vừa ân cần, “cứ yên tâm, đứa nào cũng có phần, cô đi lễ ở đâu đều phát lộc không sót một đứa nào”.


Coi như một bài toán. Thử chuyển tất cả những khoản tiền lẻ mọi người không phải bố thí cho những đứa trẻ có người nuôi dưỡng đến những đứa trẻ “tứ cố vô thân” thực sự xem nào? Số trẻ em ăn xin ảo nhiều gấp bội số thực. Nữa là, dùng số tiền mua hàng mã hàng năm đem đốt của những người tin rằng quyến thuộc quá cố của họ dưới âm phủ cần dùng đến, theo thống kê chưa đầy đủ, con số lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Giống như tục đốt pháo mỗi dịp xuân về hay hội hè, hiếu, hỉ một thời không còn hiện hữu dẫu nó được bao biện bằng nhiều lí lẽ linh thiêng. Những người tin có âm hồn nghĩa là phải tin có luân hồi chuyển kiếp. Vậy thì, việc đốt hàng mã, cúng bái vong hồn, phụ giúp ma quỷ sẽ cản trở quá trình tái, vãng sinh của thân nhân đã khuất. Đó chẳng phải là hành động tạo thêm ác nghiệp sao? Cũng có nghĩa, càng đốt nhiều thì càng báo hại chứ chẳng phúc lộc gì. Và còn khoản chi tự nguyện khổng lồ cho những thứ lễ phẩm dâng cúng một cách bừa bãi, xa xỉ. Tất thảy không đáng một cắc để “mua” tấm Visa xuất cảnh khỏi cõi phàm trần đầy tội lỗi. Nếu tin và mong cầu được phúc đức, hỉ lạc ở cõi Ta Bà hiện hữu “ngũ uẩn” này hay được vãng sinh sang các thế giới vô hình mà đánh đổi điều kiện tiên quyết là giác ngộ và cứu giúp chúng sinh hoạn nạn, khốn khó, bất hạnh… bằng những đồ tế lễ thì thật tương lai sớm muộn cũng chìm đắm với chúng ma dưới địa ngục mà thôi…
Kí Nguyễn Lê Đoàn
Photobucket

No comments :

Post a Comment

Định dạng nhanh toàn Blog

Bản quyền thuộc Người lính Việt,Blogger-@2014-Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024,tỉ lệ 100-125%.

Trang chủ | About Me | Chuyên trang video quân đội | Chuyên trang người lính với cộng đồng | Liên hệ