Đó là tên một bài hát và là tựa đề đêm nhạc tưởng niệm 7 năm ngày mất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, được nhóm Blog TCS FC Hà Nội tổ chức vào tối ngày 01/04/2008. Điều thú vị và đặc biệt nhất là, tuyệt đại đa số những người tham gia đều nằm ở độ tuổi 8x!
Đối với nhiều người, nhạc TCS giống một loại thực phẩm “gây nghiện” dù ca từ và lời nhạc rất nhẹ nhàng, giản dị. Nhưng, để hiểu được những điều mà TCS mượn ca từ để biểu đạt, khuếch đại lại không dễ dàng chút nào. Bởi lẽ, TCS nói cái rất thật, rất gần. Thật và gần tới mức người ta không thể thấy rõ, mà chỉ cảm nhận được hơi hướng theo cách nào đó, ở hoàn cảnh, tâm trạng nào đó. Nhạc TCS không phải đơn thuần là mang tính chia sẻ tâm trạng của người có tâm trạng. Thực chất, lời ca trong nhạc TCS chính là yếu tố làm sống dậy những vấn đề hướng nội nếu người nghe chưa có, là “kính hiển vi” để người nghe có thể thấy vấn đề thuộc về nội tâm nếu họ đang có. Có lẽ vì thế nên nhạc TCS cứ như dòng năng lượng vô hình âm thầm chảy và ngấm vào tâm hồn con người. Tuy thế, không có nghĩa người nghe hiểu được nhạc của TCS. Giống như việc người ta rất cần hít thở nhưng không nhất thiết phải hiểu lộ trình của hơi thở và cái được họ hít thở để sống. Rồi thì, hiểu cũng chưa phải là thấy đúng, thấy thật.
Đêm nhạc diễn ra kể như rất thành công! Nhâm nhi từng giọt café và lắng nghe các bạn trình diễn những ca khúc trữ tình “lắt léo” của TCS, thật thú vị!
Có nhiều cách hiểu và diễn giải khác nhau về các bài nhạc của TCS. Người ta cho TCS sáng tác nhạc trên nền tảng triết thuyết của Phật giáo. Tất nhiên, vì TCS là một phật tử. Nhưng PT thấy nhạc TCS là nhạc thiền về đời và nội tâm. Tức là lời nhạc viết ra từ sự chiêm niệm, quan sát trong lúc thiền chứ không phải loại nhạc dùng nghe để thiền, (nghe để thiền thì thực ra nghe cái gì cũng được hết, vấn đề là dễ hay khó thôi). Mà hễ cái gì xuất phát từ cõi thiền là thấy như thật (tuy nhiên, không phải là giác ngộ, giải thoát). Và, muốn hiểu được những ca từ đó cho đúng chỉ có 1 cách là, ở chính trong cõi thiền để nhìn hay nghe thấy nó như vậy. Tức chỉ đóng vai trò quan sát để thấy biết mà thôi. Nhưng người ta lại cứ thích suy nghĩ nên mãi chả thể hiểu nổi hay hiểu mỗi lúc một kiểu theo dòng tâm trạng và nghĩ suy. Thấy được cái thật đã khó và nói hay viết ra được cái thật ấy như thật để người khác hiểu hay thấy đúng thế lại còn khó hơn gấp nhiều lần.
PT không thấy nhạc TCS mập mờ, lắt léo hay đa nghĩa gì ráo. Cực dễ hiểu là đằng khác. Đơn giản vì PT chả nghĩ gì khi nghe nhạc cả, chỉ nghe, nghe và nghe. Giống như là sử dụng lời nhạc đó làm mắt cho sự nhìn các vấn đề được đề cập đến vậy. Và quả thực, nhạc TCS giống lời kinh thật. Nhưng giống không có nghĩa là TCS sáng tác ra kinh, mà là chuyển thể ý trong đó thành lời nhạc thông qua sự quán chiếu về cuộc đời, cảnh vật. Ai không đọc, học kinh phật nhưng thích nghe nhạc Trịnh mà ngấm được từ chính tâm hồn của mình thì người đó giống như là đang học kinh phật vậy. Và tất nhiên, áp dụng được nó cũng giống như áp dụng được lời dạy trong kinh phật đấy thôi. Và lại tất nhiên, không phải tất cả các tác phẩm của TCS đều giống như PT “phát biểu”.
Sự kiện diễn ra giữa đêm nhạc khiến tất cả mọi người chú ý là sự xuất hiện của Trịnh Công Sơn thế hệ 8x. Tên của em được cố tình đặt giống cố nhạc sĩ tài ba và đó như một sứ mệnh của đại gia đình em. Em bày tỏ mơ ước sẽ chuyển thể và phổ biến những bài nhạc của cố nhạc sĩ ra tiếng Anh và Nhật, để khắp nơi trên thế giới đều được thưởng thức. Đó như một công việc gia truyền được truyền thừa từ đời ông nội tới em. Mong ước của em được mọi người rất tán hưởng và ủng hộ! Và, anh muốn chia sẻ với em một số điều cơ bản, mong sẽ giúp em thực hiện mơ ước của mình!
Để chuyển tải được “hồn” của nhạc Trịnh thì người chuyển tải nhất định phải thấy rõ các vấn đề như chính nhạc sĩ đã thấy. Nếu chỉ hiểu hay đam mê không thôi thì thật khó lòng. Vì thế, anh nói với em vài điều. Hi vọng em hiểu được.
Trong nội tâm của mỗi người luôn có những bản nhạc rất tuyệt diệu! Khi chỉ tập trung nghe bản nhạc bên ngoài thì bị mất đi bản nhạc tuyệt vời ở bên trong. Diệu âm trong nội tâm đủ làm rung động và xua tan đi tất cả sự ưu phiền, lo lắng. Nội tâm tự cung cấp cho mỗi người những thanh âm rất đặc biệt mà không một dòng nhạc, không một ca sĩ trứ danh nào có thể sánh bì với diệu âm từ chính nội tâm của con người và cả như từ hư vô vang vọng lại...
Khi một người biết nghe những bản nhạc nộit âm của chính mình thì sẽ có khả năng cảm nhận những bản nhạc bên ngoài rất sâu sắc, thậm chí hơn cả người thể hiện và sáng tác ra nó nữa... Đó là lúc họ cho dòng diệu âm nội tâm từ cõi tĩnh lặng của họ giao thoa với dòng âm thanh của bản nhạc bên ngoài.
Âm nhạc là sự sống rất kì diệu, tuy nhiên, chỉ với những ai biết thưởng thức mà thôi. PT nói là biết thưởng thức nhé, cái này khác với đam mê. Đam mê mà không biết thưởng thức cũng bằng thừa. Trong từng nốt nhạc, từng âm vang của giọng ca đều có sự sống rất kì diệu, rất tuyệt vời mà chỉ những ai biết nghe, biết thưởng thức mới thu nhận được nguồn năng lượng sống vô cùng quý báu đó. Tất nhiên, có cách để lắng nghe và thu nhận những quyền năng kì diệu của âm nhạc hay của một loại âm thanh bất kì nào đó.
Những tác phẩm của TCS được viết ra giống vậy. Nghĩa là, khi TCS đã nghe thấu diệu âm trong nội tâm rồi thì ông dùng từ ngữ để miêu tả lại. Do vậy, từng giai đoạn cảm xúc của ông biến thành dòng tâm trạng tương ứng với người đời nên người ta cảm nhận sự đồng điệu thiêng liêng, nhưng có vẻ rất mơ hồ và huyền bí.
Phải nói thực một điều là, không thể nào hiểu được nhạc của TCS nếu không đồng (hay đạt) trạng thái như ông dù bạn có thể đồng tâm trạng với nội dung tác phẩm. Chỉ có một cách duy nhất để hiểu đúng như thật vấn đề là phải đồng trạng thái thấy rõ mọi thứ như chính cố nhạc sĩ đã thấy. Ví dụ, trong bài Giọt Lệ Thiên Thu có đoạn nhạc sĩ viết: “Bước tới hư vô, khoác áo Chân Như. Long lanh giọt lệ, long lanh giọt lệ, giọt lệ thiên thu…” Ở đoạn này, những người am hiểu phật học có thể hiểu được về mặt ngữ nghĩa của câu chữ theo ý niệm hoặc từ điển. Nhưng không thể nào thấy rõ thật được “hư vô” và “áo Chân Như” như thế nào nếu người đó chưa thực sự đưa tâm thức mình “bước vào” hư vô. Hay nói cách khác, nếu người đó chưa thực sự thấy được Chân Như. Hư vô là chỉ một trạng thái chứ không phải chỉ một khoảng không gian trống rỗng (vì không có khoảng không nào trống rỗng thực sự cả). Chân Như cũng chỉ một trạng thái vô hình nhưng có tồn tại chứ không phải là chỉ “cái gì đó” giống chiếc áo. Một khi chưa tới được hư vô và chưa tận mặt thấy Chân Như thì chắc chắn không thể nào hiểu được, dù cái đầu có uyên bác tới đâu đi chăng nữa.
Trong bài Tiến Thoái Lưỡng Nan, nhạc sĩ có chỉ cách thức để người nghe có thể đạt được trạng thái và thấy tận mặt Chân Như rồi. Chỉ nhắc em một điều rằng, “tiến thoái lưỡng nan” không phải là ở giữa như người ta vẫn nghĩ, mà chính là ở trên.
Hi vọng em hiểu được và dùng chính những bài nhạc của cố nhạc sĩ để đưa mình tới cảnh giới ngang bằng với nhạc sĩ. Chỉ ở cảnh giới đó, em mới thực sự thấy rõ thông điệp trong các tác phẩm của cố nhạc sĩ. Và chỉ ở đó, em mới chuyển thành công các tác phẩm của cố nhạc sĩ từ nền văn hoá Á Đông sang nền văn hoá Tây Âu được. Tất nhiên, sẽ vô cùng gian nan và khó khăn. Bởi vì, bằng vào sự đồng ngôn ngữ và văn hoá mà người ta đã rất khó hiểu vấn đề rồi huống chi chuyển chéo. Công việc của em rất khó và cũng rất đặc biệt, rất thiêng liêng, rất gian nan nhưng cũng rất vinh dự.
Anh hi vọng em biết cách làm thế nào đó để đạt trạng thái như cố nhạc sĩ khi ông viết nhạc!
Tạm nói với em vài lời như vậy. Chúc em thành công!
No comments :
Post a Comment