29.7.11

Kì VI: Sử dụng tiếng động hay âm thanh để thiền (P1)


Trang chuyên mục Thiền và cuộc sống, Chuyên đề số 28 - Pháp luật Việt Nam (Cơ quan của Bộ Tư pháp)

*
Các bài sử dụng tiếng động hay âm thanh, ngoài phát triển lực tỉnh thức, sự tập trung của đầu óc và những giá trị nêu ở các kì trước, bạn sẽ khám phá chân lí của các hình thức. 

Chỉ sau thời gian rất ngắn, tùy mức độ cố gắng, thành tâm và tập trung mà đạt được hai kết quả bất ngờ. Một là khám phá bí mật nền tảng của tất cả các hình thức gọi là hình tướng. Hai là, bỗng dưng xuất hiện năng lực bí mật, kì lạ từ bên trong hết sức sung sướng (an lạc) mà bạn chưa từng trải nghiệm trong đời.

Giúp bạn hình thành thói quen chú ý lắng nghe và thấy rõ nội tâm người đang tiếp xúc, giao tiếp với bạn. Từ đó, bạn ứng xử phù hợp với những điều sâu thẳm trong tâm hồn người khác, không bị lệ thuộc hay chi phối bởi lời nói với khái niệm chữ nghĩa họ đang dùng.

Bạn dùng khả năng quan sát và lắng nghe trong đầu óc để thấy hay nghe rất rõ tiếng động hay âm thanh được dùng để thực hành thời thiền. Khi tiếng động hay âm thanh dừng, bạn nhận thức và nghe rất rõ sự im lặng xuất hiện. Bởi vì, sự nghe hay khả năng nghe vẫn đang tồn tại, chỉ âm thanh tạm thời biến mất. Bài tập này, bạn mượn tiếng động hay âm thanh để nhận biết và chú ý lắng nghe sự im lặng khi âm thanh tạm dừng. Đây là bài tập rất thú vị và chắc chắn bạn thành công! Bạn sẽ rất sung sướng và hạnh phúc, như chưa bao giờ bắt gặp trong đời. Trải nghiệm này tạo ra dấu ấn về hạnh phúc chân thật và bạn không bao giờ quên được. (Đọc kĩ hướng dẫn trước khi thực hành).

Bài thứ nhất: Quan sát, lắng nghe tiếng động, rồi nhận thức và lắng nghe sự im lặng bên trong

Bạn thực hành như bài quan sát và lắng nghe sự im lặng thông qua hơi thở, trong phần ba bài thiền hơi thở căn bản ở kì trước. Chỉ khác ở chỗ là nhận biết và lắng nghe sự im lặng.

Bạn phải tập nghe nhuần nhuyễn cả âm thanh (tiếng động) của hơi thở và sự im lặng. Khi bạn nghe được rõ ràng sự im lặng, là thực hành có kết quả rồi!

Phần quan sát và lắng nghe tiếng động của suy nghĩ, sự im lặng trong đầu óc, sẽ được giới thiệu ở các kì tiếp theo.

Bài thứ hai: Quan sát, lắng nghe tiếng động, rồi nhận thức và lắng nghe sự im lặng bên ngoài

a. Sử dụng tiếng động nhân tạo
* Chọn loại tiếng động và không gian

Bạn tuỳ chọn một loại tiếng động, trong phạm vi không gian nhất định, tương ứng với điều kiện nơi bạn đang hiện diện và phù hợp với sự thực hành. Bạn chỉ tập trung chú ý lắng nghe và thấy rõ duy nhất loại tiếng động mà bạn đang sử dụng. Ví dụ, bạn dùng tiếng “tíc – tắc” của chiếc đồng hồ trong một căn phòng, thì tiếng “tíc – tắc” là tiếng động duy nhất mà bạn tập trung lắng nghe và thấy rõ. Các tiếng động hay âm thanh khác vẫn diễn ra, nhưng không nằm trong sự chú ý lắng nghe của bạn. Tức là, bạn quy ước không gian thực hành là tiếng “tic – tắc”, và sự im lặng là khoảng không tiếng động, gián đoạn giữa tiếng “tíc” và “tắc” của đồng hồ.

Bạn nên chọn hoặc sáng tạo ra loại tiếng động hay âm thanh có nhịp độ tương tự tiếng “tíc – tắc” của đồng hồ để thực hành. Chẳng hạn, bạn sử dụng bản nhạc không lời (tốt hơn là không thuộc lời bài nhạc) có tiết tấu âm rõ ràng như piano, ghi ta… với các nốt nhạc ngắt quãng dứt điểm (không ngân nga) và to rõ. Như vậy, bạn tập trung chú ý lắng nghe, nhận biết rõ nốt nhạc vang lên và sự im lặng giữa hai nốt nhạc liền kề.

* Sử dụng tiếng “tíc – tắc” của đồng hồ trong căn phòng cách âm tốt.

Bạn lấy căn phòng cách âm thật tốt làm không gian chuẩn, lấy tiếng kêu “tíc – tắc” của chiếc đồng hồ trong căn phòng làm đối tượng tập trung quan sát và lắng nghe. Có nghĩa, bạn quy ước tiếng động duy nhất trong căn phòng là “tíc” và “tắc”. Còn sự im lặng trong không gian căn phòng là khi không có tiếng “tíc” hoặc “tắc”.

Bạn khép mắt, thả lỏng cơ thể, tập trung sự chú ý lắng nghe của đầu óc và nhận biết rõ tiếng “tíc” và “tắc”. Lúc này, sự nghe của bạn chỉ nghe tiếng động là “tíc” và “tắc” của chiếc đồng hồ mà thôi (ý niệm hay hình ảnh về chiếc đồng hồ cũng không tồn tại trong đầu óc bạn). Trong quá trình chú ý lắng nghe, nếu bạn vẫn nghe và nhận biết các tiếng động khác với “tíc” và “tắc”, hoặc thấy các hình ảnh khác là đầu óc chưa tập trung lắng nghe đúng đối tượng “tích” và “tắc”. Bạn bị phân tâm, mất sự chú ý quan sát và lắng nghe. Nếu vậy, bạn hãy hướng sự chú ý tập trung lắng nghe trong đầu óc vào tiếng “tíc” và “tắc” để nghe cho rõ.

Tiếp đến, bạn tập trung lắng nghe sự im lặng giữa hai tiếng “tíc” và “tắc”. Giữa hai tiếng “tích” và “tắc” là sự im lặng. Bạn phải tập trung để nghe được khoảng im lặng đó bằng nhận thức rõ sự im lặng và lắng nghe nó. Đến đây, bạn đã tạm quen nghe sự im lặng qua tiếng động của đồng hồ. Bạn tắt tiếng động của đồng hồ đi, để nghe sự im lặng trong toàn không gian căn phòng (cả căn phòng là không gian im lặng tuyệt đối). Sự lắng nghe của bạn vẫn đang hiện hữu và tiếp diễn. Bạn đang nghe sự im lặng bên ngoài, và đầu óc không tồn tại bất cứ suy nghĩ nào nữa. Bạn sẽ thấy, cõi im lặng của căn phòng là nền tảng cho tiếng “tíc – tắc”. Điều thú vị là bạn sẽ chạm vào thế giới tuyệt đối, và rồi, chính bạn bất ngờ với nhiều điều mà bạn chưa bao giờ nghĩ đến.


Mọi chia sẻ, thắc mắc xin vui lòng gửi về hộp thư: thienvacuocsong@gmail.com hoặc Chuyên mục của toà soạn.

Kì VII: Sử dụng tiếng động hay âm thanh để thiền (P2), ra ngày 25/08/2011
Theo chuyên đề số 28 - PLVN


No comments :

Post a Comment

Định dạng nhanh toàn Blog

Bản quyền thuộc Người lính Việt,Blogger-@2014-Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024,tỉ lệ 100-125%.

Trang chủ | About Me | Chuyên trang video quân đội | Chuyên trang người lính với cộng đồng | Liên hệ