5.6.12

Sai sót nghiêm trọng trong vở tập viết lớp 1





Chỉ với 30 trang vở luyện tập tiếng, (nghĩa là rất ít chữ), mà mắc nhiều lỗi trầm trọng thế, biết ăn nói làm sao, giải trình thế nào? Rồi thì, không ai chịu nhận lỗi. Theo quy định, lỗi chính tả cho phép là < 1%. Thực ra, nhìn kiểu lỗi của tác phẩm, dễ dàng biết chính xác lỗi ở khâu nào và ai phải chịu trách nhiệm chính, không khó khăn gì. Là người biên tập và xuất bản khá nhiều sách, tôi xin chia sẻ các tình huống, như sau:


Với Nhà Xuất bản
Luật Xuất bản quy trách nhiệm tác phẩm mắc lỗi được xuất bản thuộc NXB, người đứng đầu NXB phải chịu trách nhiệm lớn nhất. Tuy nhiên, phải khẳng định ngay rằng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về tác giả (TG) và biên tập viên (BTV). Bởi vì, Giám đốc hay Tổng biên tập NXB có thể giỏi về quản lí, chưa chắc giỏi (thậm chí không có) chuyên môn. Dù NXB không kiểm tra bản lưu chiểu trước khi phát hành rộng rãi, cũng không quy trách nhiệm chung chung “lỗi do NXB”, không biết cụ thể là ai hay khâu nào được.

            Lâu nay, hễ cứ tác phẩm sai sót về mặt chữ nghĩa, là người ta lại đổi “lỗi kĩ thuật, đánh máy, vi tính, chế bản, in ấn...” TG và BTV phủ nhận. Quy trình xuất bản thế nào, lại cứ đổ cho những lỗi “không biết đâu mà lần” thế? Đành rằng, lỗi kĩ thuật xảy ra khá nhiều, nhưng thường dễ phát hiện và không phải lỗi chính tả, trừ khâu đánh máy. Song, nếu TG và BTV có trình độ, trách nhiệm, thì lỗi kĩ thuật dường như đều được khắc phục. Bởi vậy, căn bản do TG và BTV. Với lỗi nghiêm trọng như cuốn Vở luyện tập Tiếng Việt 1, chắc chắn sai sót thuộc về TG hoặc BTV, không thể đổ thừa các khâu khác một cách vô trách nhiệm thế.        


Với tác giả


            Tác giả khẳng định 100% lỗi không do mình. Rõ ràng, chữ “dỗ”, được sắp xếp ở phần luyện viết chữ d và đ (có dỗ - đi đò). Còn chữ “lêu”, ở phần luyện âm l (líu lo – cây lêu). Không có cơ sở cho là nhầm lẫn. Vì sách luyện tiếng Việt, nên chữ phần nào ra phần đó, tách biệt, rành mạch. BTV không thể bỗng dưng lại sửa một cách ngây ngô vậy. Người đánh máy và các khâu kĩ thuật khác, cũng không dễ nhầm lẫn... đến thế. Người đánh máy nhìn bản thảo và gõ theo, chứ không phải nghe (nghe có thể nhầm, nếu người đánh máy vốn trình độ tiếng Việt thấp).
            TG phải xem bản bông biên tập cuối cùng và kí duyệt, trước khi chế bản, ra can/phim/kẽm để in. Nếu có điều kiện và trách nhiệm, TG sẽ cùng BTV đọc bản bông chế bản, bản can/phim/kẽm. Nếu quả thực TG đã trao đổi và BTV đổ lỗi cho người chế bản, nghĩa là không lỗi ở bản thảo, thì hoặc BTV quá tồi, hoặc có ý đồ phá hoại tác phẩm. Nhưng TG vẫn phải chịu trách nhiệm.

            TG giải thích trên báo Đất Việt: Khoảng năm 2003 – 2004, ông Nguyễn Mạnh Dũng là đại diện cho Nhà sách Kim Hoa đã đặt hàng và kí hợp đồng trọn gói với tôi để tôi viết cuốn “Vở luyện tập Tiếng Việt 1”. Nghĩa là tôi nhận tiền thù lao một lần, sau đó việc sử dụng, in ấn, tái bản là toàn quyền của nhà sách Kim Hoa. Thời gian cũng đã gần chục năm nên tôi cũng không để ý cuốn vở đó đã được in ấn hay tái bản bao nhiêu lần. Quả vậy, thì TG không cần phải “thừa nhận mình đã mắc sai sót và chủ quan khi không đòi kiểm tra chế bản lần cuối trước khi nó được in.” TG không biết tác phẩm của mình được xuất/tái bản, làm sao kiểm tra? Trường hợp này, TG vô tội và là người bị hại.

TG cũng cho biết, bản thảo viết tay duy nhất nộp cho Nhà sách Kim Hoa từ khoảng 2003 - 2004, nay đã bị mất. Vậy, lần xuất/tái bản 2012, NXB Đà Nẵng lấy bản gốc từ đâu? Nếu từ các lần xuất/tái bản trước, thì dễ dàng truy ngược, để tìm ra bản in lần đầu và TG có sai sót hay không.
Giám đốc NXB cho biết, “NXB Đà Nẵng không làm việc trực tiếp với tác giả Đặng Thị Lanh mà thông qua đối tác là nhà sách Kim Hoa”. Trong khi đó, nhà sách Kim Hoa lại nói, bản thảo viết tay đã bị mất. Còn nếu nói như Giám đốc NXB, rằng: “Theo như thông tin từ tác giả Đặng Thị Lanh thì bà gửi bản thảo viết tay cho nhà sách nên sẽ phải đánh máy lại. Suy đoán thì có thể lỗi phát sinh từ đó. Nghĩa là, lỗi do khâu đánh máy của nhà sách Kim Hoa. Như thế, ngay ở lần xuất bản đầu, đã mắc lỗi. Trường hợp này, lỗi thuộc về TG (không thể không xem lại bản thảo, ít nhất là ở dạng đánh máy) và BTV (không có lí do quy trách nhiệm cho người đánh máy).

            
Với người biên tập


            Vai trò của BTV quan trọng số một, vì phải chịu trách nhiệm với tác phẩm từ khi nhận bản thảo tới lúc xuất bản. Chức năng của BTV là định hướng, giúp tác phẩm hoàn thiện, điều chỉnh lỗi chính tả, ngữ pháp, câu cú... Chính yếu là nâng cấp giá trị nội dung tác phẩm. Trong quá trình biên tập, nếu điều chỉnh ý tứ tác phẩm (không là lỗi chính tả, ngữ pháp, câu cú), phải thuyết phục được tác giả chung cách nhìn. Sau khi hoàn thiện biên tập, với sự đồng ý của TG, mới cho chế bản. BTV và TG kiểm tra và đọc duyệt bản bông cuối cùng của khâu chế bản. Nhưng vì nhiều lí do, TG thường chỉ đọc duyệt bản bông cuối cùng của BTV (trước khi chế bản). BTV chịu trách nhiệm tiếp các khâu chế bản, ra can/phim/kẽm và bản in mẫu. BTV toàn quyền điều chỉnh những lỗi hiển nhiên, được phát hiện thêm (không buộc phải trao đổi với TG) hoặc phát sinh do kĩ thuật.

            Rõ ràng, ở cuốn vở này, gần như toàn bộ lỗi thuộc lỗi hiển nhiên, không cần/buộc phải trao đổi với TG. Nếu BTV có khả năng và trách nhiệm, chắc chắn không thể để lỗi nghiêm trọng đến thế.

Với người đánh máy
Thông thường, nhận tác phẩm viết tay, BTV, đơn vị xuất bản sẽ cho người đánh máy. Và nhân viên đánh máy đương nhiên không chỉ biết gõ bàn phím. Hơn nữa, người đánh máy thường phải tuyệt đối trung thành với bản mẫu, không tự ý thêm bớt bất cứ gì. Nếu không dịch được chữ viết hoặc thấy lỗi, sẽ đánh dấu và trao đổi với TG hoặc BTV. Có thể xảy ra trường hợp, người đánh máy gõ theo thói quen hoặc mắc hiệu ứng đọc trước tác phẩm (đoán trước nội dung câu cú) nên sai hay nhầm. Nhưng cuốn Luyện tập Tiếng Việt 1 không đủ điều kiện, để hiệu ứng đọc trước xảy ra. Do từ rất ngắn, không phải hẳn câu dài hay đoạn văn. Ví dụ trong tác phẩm là những câu rất quen thuộc, nên nếu gõ theo thói quen, cũng khó sai lệch. Bảo lỗi gõ phím cũng không phải. Vì rằng, không thể gõ nhầm chữ d với gi, n với l được. Người tập đánh máy 10 ngón, cũng chẳng gõ nhầm phím như vậy, huống chi người chuyên đánh máy để xuất bản sách.

Giả sử người đánh máy mắc lỗi, còn phải qua mấy lần điều chỉnh của BTV và TG, người đọc morat (nếu có). Cho nên, tác phẩm lỗi ra đời, không do người đánh máy.

Với người chế bản
Theo TG, BTV cuốn sách cho rằng: nguyên nhân dự đoán có thể do người chế bản lần cuối tự chữa theo nhận thức của người ta, theo kiểu “coi thường sách vở”. Ơ hay, chức năng và trách nhiệm của người chế bản đến đâu, mà lại dám “tự chữa theo nhận thức”? Không thể chấp nhận biện hộ của BTV được. Bởi vì, người chế bản cần/phải đọc tác phẩm, chỉ với mục đích trình bày hình thức phù hợp với nội dung mà thôi. Không có lí do và quyền can thiệp vào nội dung, chữ nghĩa của tác phẩm, dù nắm được chuyên môn hay không. Nếu phát hiện ra lỗi hiển nhiên, vẫn phải trao đổi với BTV hoặc TG, không tự ý thay đổi. Và nếu xảy ra lỗi trong quá trình thao tác chế bản, cũng không gây lỗi chính tả như cuốn vở. Người chế bản có trách nhiệm, thường phải đối chiếu nội dung đã chế bản với lúc chưa chế bản.

Trong trường hợp người chế bản gây lỗi thực sự (vì bất cứ lí do gì), thì BTV và TG còn đọc duyệt bản bông nữa. Do vậy, lỗi không thuộc người chế bản.


Với nhà in
Nhà in chỉ thực hiện in ấn, gia công tác phẩm trên nền bản gốc không thể chỉnh sửa, giống như photocopy. Do đó, tác phẩm lỗi nội dung, không thuộc về nhà in. Kể cả trường hợp nhà in ra can/phim/kẽm, cũng không mắc lỗi chính tả như vậy được, mà lỗi kiểu khác. Với cuốn vở này, nếu lỗi ở nhà in, nghĩa là nhà in đã in tác phẩm khác NXB giao. Như thế, không phải lỗi, mà là tội “đánh tráo”. Và như đã nêu, BTV và TG có trách nhiệm, vẫn phải đọc bản phôi trước khi lên máy in, đọc bản mẫu (in mẫu lần 1) trước khi in hàng loạt.

Tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lỗi này, có thể là khâu biên tập, đánh máy trước khi in ấn.” Và: “Nên kiểm tra lại khâu in ấn xuất bản vì các nhà in ở miền Bắc hay nói ngọng. Rồi lại: “Vấn đề là các trường phổ thông làm sao để chữa ngọng cho học sinh. Lỗi này Nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm chính”. 

Thứ nhất, về quy chế, NXB phải chịu trách nhiệm chính. Nhưng với cuốn vở này, sai sót chỉ có thể do TG hoặc BTV, và cả hai đều không thừa nhận (TG khẳng định bản thảo viết tay không lỗi, BTV nói lỗi ở khâu chế bản). Nếu do TG hoặc người đánh máy, thì BTV không có khả năng và tắc trách.

Thứ hai, cuốn vở do NXB Đà Nẵng ấn hành và xem nội dung, thì TG sử dụng ngôn ngữ không phải miền Bắc, nên không liên quan đến việc “người ở miền Bắc nói ngọng”. Phát âm phụ âm d và gi như thế nào, thì không ngọng? Một số vùng miền Bắc phát âm phụ âm n và l ngọng, nhưng hiếm người viết ngọng, do nhớ mặt chữ, chứ không theo phát âm. TG từng là giảng viên về tiếng Việt, càng không thể viết ngọng được (người đưa ra ý kiến này từng làm việc và khẳng định, TG không nói ngọng các chữ sai trong sách). Người của nhà in nói ngọng, thậm chí, viết ngọng đi nữa, cũng không hề liên quan đến nội dung tác phẩm in ấn, vì không được phép can thiệp vào.

Thứ ba, việc chữa phát âm ngọng ở các phụ âm r/d/gi, ch/tr, n/l, s/x... không khó lắm. Âm tiếng Việt “tròn vành rõ nghĩa”, chứ không có hơi gió “xì, suỳ, xuỵt” như tiếng Anh. Do đó, chỉ cần uốn lưỡi với những âm r, tr, l, s... là được.
NLĐ
            

No comments :

Post a Comment

Định dạng nhanh toàn Blog

Bản quyền thuộc Người lính Việt,Blogger-@2014-Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024,tỉ lệ 100-125%.

Trang chủ | About Me | Chuyên trang video quân đội | Chuyên trang người lính với cộng đồng | Liên hệ