Cả ngày rông rả trên đường nên mệt. Nửa đêm, buồn ngủ lắm, mà không vào giấc được. Cứ bồn chồn, như mất cái gì đó rất quý. Khép mắt lại, quan sát tỉ mỉ, thấy không có chuyện gì liên quan đến mình. Chỉ thấy hình ảnh bạn ẩn hiện vài ba lần. Liền nhắn tin.
- Đang ngủ hay trực thế?
- Mình đang uống rượu một mình ở nhà.
- Sao nửa đêm còn uống rượu một mình?
- Cũng tính gọi bạn, nhưng sợ phiền và bạn không biết uống. Bạn qua đây được không, mình đang cần bác sĩ.
Trời mưa rỉ rả, đang mệt nên đi taxi cho an toàn. Gần 1h sau mới tới. Bạn cầm ô ra đón, chẳng nói năng và cười chào như mọi khi. Mình tự pha cafe, còn bạn cứ đứng nhìn ra ngoài trời qua cửa kính, tay cầm cành phong lan. Điều đặc biệt giữa những người bạn gắn bó với nhau, chỉ cần gặp nhau là đủ. Cần nói gì sẽ tự nói, không thì yên lặng và cảm thụ. Chuyện công việc, tình yêu, xã hội nói được chỉ là phiếm. Mình ngồi ghế salon, uống gần hết ly cafe, bạn mới lại gần, đặt cành phong lan lên bàn.
- Bạn biết cành phong lan này không?
- Không!
- Của bạn tặng đấy, mình giữ lại suốt từ ngày ra trường, để không quên giao ước với bạn. Bạn còn nhớ không?
- Không!
- Không nhớ gì thật à, bác sĩ!?
- Chỉ nhớ rằng, mình nhận làm bác sĩ cho bạn, vì bạn bảo “bác sĩ giỏi đến mấy, cũng không thể tự chữa bệnh cho chính mình.”
- Ừ, còn lại không nhớ gì nữa!?
- Không! Nhưng lí do tự dưng bạn nhắc đến cành phong lan?
- Mình muốn nói với bạn một chuyện, chắc có lẽ hậu quả sẽ không tốt. Nhưng trước sau gì, bạn cũng biết, nên mình “khai bệnh”, chủ động hơn. Và hơn nữa, mình sẽ được thoải mái. Bạn quyết định thế nào, nếu vẫn có giải pháp cho bệnh nhân, nhưng tỉ lệ thành công cận tiểu và thêm các lí do đặc biệt để không tiếp tục điều trị?
- Sẽ tiến hành điều trị.
- Ừ, mình biết câu trả lời của bạn là vậy mà. Bạn có cho rằng, như vậy là quá lệ thuộc vào cảm xúc không?
- Không.
- Nhưng mình nghĩ thế là không tốt, vì bất lợi nhiều. Có lúc, bác sĩ cần lạnh lùng, để đưa ra quyết định có lợi nhất.
- Bạn đã quyết định “lạnh lùng?”
- Ừ, mới hồi tối, với một trường hợp.
- Bạn nghĩ thế là đúng và đã quyết định, thì nói với mình làm gì nữa!? Nhưng mà, “có lợi nhất” của bạn là cho ai?
- Cho bệnh nhân và người nhà.
- Lợi chỗ nào? Bệnh nhân chết, người sống mất người thân là lợi à?
- Dù phẫu thuật, tỉ lệ hi vọng là 1%. Hơn nữa, họ không đủ điều kiện. Không thể vì một người không chắc chắn, mà nhiều người khổ lây.
- ....
Mình cảm thấy hụt hẫng về một người bạn có ước mơ trở thành bác sĩ từ hồi học cấp 2. Im lặng... mình ra cửa nhìn xuống đường. Tảng sáng. Trời vẫn mưa ríc rắc. Thấy lạnh quá! Bạn uống tiếp ba ly rượu nữa, rồi nói:
- Bạn vào nghỉ đi, mình để chìa khoá, mình sắp phải đi làm rồi.
- Mình về. Có lẽ từ giờ, chúng ta sẽ không còn gì để nói chuyện nữa, bạn ạ!
- Nhưng đó là quyết định hợp pháp, có lợi, và mình nghĩ bác sĩ khác cũng quyết định như vậy.
- Về mặt thuyết học và không ai biết nên hợp pháp. Nhưng bác sĩ cần con tim, để cảm thụ người bệnh mong sống hơn hết, chứ không phải “lạnh lùng”. Và cần cái đầu tỉnh táo, để biết sẽ làm được những gì cho bệnh nhân, chứ không phải lí thuyết và quy tắc. Mình mất một người bạn trong trường hợp tương tự, họ không tiến hành giải pháp khả quan cuối cùng (đến mấy chục phần trăm). Vì tốn kém và nếu qua được, bệnh nhân vẫn sẽ tiếp tục nằm viện như trước. Nhưng chưa bao giờ mình nghĩ, bạn lại nằm trong số bác sĩ như vậy...
Lững thững đi bộ trên vỉa hè. Vẫn mưa. Bạn nhắn tin:
- Lần đầu tiên, chúng mình gay gắt với nhau đến thế. Còn cành phong lan?
- Ừ, lần đầu tiên. Bạn cứ giữ lấy và nếu có thể, thì chăm sóc tốt hơn!
Có những điều muốn ném vào hư không.
Nếu bạn không đủ khả năng, thậm chí, sơ suất khiến bệnh nhân qua đời, mình cũng không ý kiến. Nhưng bạn chủ động khước từ cơ hội cứu chữa bệnh nhân, mặc nhiên để họ chết, dù lí do chính đáng (với bạn), thì mình không thể tán đồng. Mình không có quyền kết tội hay tha thứ, nhưng đủ tư cách lên án. Gọi “án” vì hành vi chủ động là tội. Hội chẩn để tìm và thực hiện tới cùng giải pháp khả thi, chứ không phải để dừng lại. Bạn bảo: Tỉ lệ tử vong trong quá trình phẫu thuật tới 99%, và gia cảnh bệnh nhân rất khó khăn, chi phí phẫu thuật rất lớn, bán nhà cũng không đủ. Quyết định dừng lại là giải pháp tốt cho cả bệnh nhân lẫn thân nhân. Gì chứ? Bạn quên hay cố tình hiểu khác lời thề Hypo? Cho dù bệnh nhân yêu cầu “đưa thuốc độc” cũng không thực hiện kia mà.
Mình không tin biện giải của bạn là vì bệnh nhân và người thân. Bệnh nhân cần sống, người thân cần người bệnh sống, đó là lí do duy nhất nếu vì họ thực sự. Bạn sợ điều gì? Sợ trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân sẽ tử vong? Chưa tiến hành, làm sao bạn biết? Tai biến không ngờ của các ca bệnh đơn giản dẫn đến tử vong, ngang với tỉ lệ ca bệnh khẳng định sẽ chết nhưng sống một cách thần kì. Không thể biết rõ hết biến hoá của cơ thể người, cơ sở nào để bạn dừng lại? Hay sợ bệnh nhân sống sẽ khổ vì di chứng, người thân khổ vì khánh kiệt? Tại sao bạn lại “ngoặc” vấn đề này vào quyết định điều trị hay không? Trước con bệnh, bác sĩ chỉ chìm đắm vào việc cứu chữa mà thôi, “còn nước còn tát”, mọi vấn đề không liên quan trực tiếp giải quyết sau. Chỉ cần tận lực điều trị, xác suất 0,01% cũng tiến hành. Chỉ cần bệnh nhân sống, mọi vấn đề sau đó, xử lí sau. Tại sao bạn dừng lại?
Hay bạn sợ mình và bệnh viện sẽ phải bù chi phí điều trị, vì người bệnh và thân nhân không đủ khả năng? Nếu là sự thật, thì... bạn nên chọn nghề khác. Nếu không phải sự thật, bạn trả lời thắc mắc của mình. Rằng, nếu bệnh nhân ấy có quyền lực hay thừa tài chính, để yêu cầu bạn thực hiện ca phẫu thuật, bất chấp kết quả, bạn có tiến hành không? Không ai trách móc gì được, bởi vì, bạn có quyền chữa trị hay không. Nhưng mà, đất nước mình bây giờ, có bao nhiêu người đủ khả năng đưa ra yêu cầu như vậy? Không nhiều đâu, bạn ạ. Hoặc giả, bệnh nhân ấy là người bạn yêu thương, bạn sẽ quyết định thế nào?
Bạn không trả lời... vì thế, hãy cứ giữ lại cành phong lan! Nếu nó chết thật sự, mình giữ lại cũng không ý nghĩa gì. Không phải mình không nhớ gì, nhớ rất rõ là đằng khác. Vì trong sâu thẳm, mình không muốn bạn nói sự tình mà thôi. Bạn đã lựa chọn giải pháp nói ra, nghĩa là, cành phong lan vẫn thuộc về bạn. Nhưng mình muốn nhắn với bạn rằng, hồi còn làm y trong quân đội, mình không dừng lại cả khi bệnh nhân đã ngừng thở. Bởi vì, chưa phải đã hết! Mình chỉ dừng lại khi hoàn toàn bất lực, tuyệt đối không còn giải pháp.
17/06/2012
PT
No comments :
Post a Comment