Trang bìa Chuyên đề số 20
Trang Chuyên mục thiền và cuộc sống - Số chuyên đề 20 |
Bài thứ nhất: Quan sát và đếm hơi thở
a. Cách thức định vị thị giác: Bạn khép mắt lại, hướng cái nhìn về đầu mũi (không nhất thiết phải thấy đầu mũi).
b. Cách thức quan sát hơi thở: Để sự biết hay lực tỉnh thức hiện hữu thường xuyên 100%, bạn dùng khả năng nhìn bên trong đầu óc để quan sát và thấy rõ tình trạng hơi thở nơi đầu mũi đang đi vào - ra, dài hay ngắn thế nào. Gần giống như bạn ngồi trên một đồi cao và nhìn ra bờ biển bằng mắt thịt, rồi bạn nhắm mắt lại và dùng khả năng nhìn bên trong đầu óc mô tả lại rõ ràng quang cảnh bờ biển.
c. Cách thức thở: Khoảng hai phút đầu, bạn thở bình thường, tự nhiên nhưng hơi kéo dài hơn thông thường một chút, cho khí oxy vào nhiều hơn để tăng thêm sức khoẻ sau nhiều giờ “quên thở”. Sau đó, bạn đi vào trạng thái thở thật nhỏ, nhẹ, thở mà như không thở. Nghĩa là, không ai nghe thấy, kể cả chính bạn. Và bạn bắt đầu đếm hơi thở.
d. Cách đếm hơi thở: Một chu kì của hơi thở (một vòng hít vào và thở ra) tính là một lần. Bạn hít vào lần thứ nhất thì đếm một và thở ra lần thứ nhất cũng đếm một, hít vào lần thứ hai thì đếm hai và thở ra lần thứ hai cũng đếm hai… cứ đếm vậy cho đến 20 chu kì thì quay lại từ đầu. Trong quá trình quan sát và đếm, sẽ thấy ý nghĩ xen vào làm quên lượt đang đếm. Nếu quên thì phải đếm lại từ đầu. Lúc không quên là ở trạng thái lực tỉnh thức tuyệt đối và ngược lại. Nếu bạn chưa quen với thời thiền 20 chu kì, thì bắt đầu thời thiền ngắn với 5 chu kì. Bạn thành công thời thứ nhất với 5 chu kì, thì tiếp tục thời thứ hai cũng với 5 chu kì. Cứ vậy, bạn chia nhỏ thành từng thời thiền, cộng lại là 20 chu kì. Sau đó, bạn nâng trình độ thực hành lên mỗi thời thiền là 10 và 20 chu kì.
Bài quan sát và đếm hơi thở là căn bản nhất, không được xem thường, chịu khó thực hành thì sẽ thấy ngay sự màu nhiệm.
***
Bài thứ hai: Quan sát và điều động hơi thở (không đếm)
Cách thức định vị thị giác, quan sát hơi thở, cách thức thở của bài tập này giống như bài thứ nhất. Điểm khác là, sự tập trung chú ý và lực tỉnh thức không dựa trên cách đếm chu kì hơi thở vào - ra. Khả năng phát triển lực tỉnh thức và tập trung chú ý của đầu óc dựa trên sự quan sát và theo dõi chặt chẽ, để biết rõ tình trạng hơi thở đang luân chuyển (đường đi của hơi thở trong cơ thể bạn) như thế nào khi đi vào - ra khỏi mũi. Giống như bạn đang quan sát một dòng chảy không khí, chảy từ bên trong ra và từ ngoài vào thông qua mũi.
Tiếp tục từ cách thở ở phần (c) trong bài thứ nhất, bạn bắt đầu điều động hơi thở nhẹ nhàng và quan sát - biết rõ đường đi của nó vào các cơ quan sau:
a. Quan sát và điều động hơi thở vào phổi: Bạn điều động hơi thở và quan sát bằng khả năng trong não, thấy luồng khí trong sạch đang chầm chậm đi vào từ đầu mũi, nhẹ nhàng vào hai buồng phổi, rồi dừng lại một chút để rửa hai lá phổi. Bạn đẩy nhẹ nhàng dòng không khí với màu sẫm nâu như khói bẩn trong hai buồng phổi đi ra đầu mũi. Bạn cảm thấy hai buồng phổi tươi trẻ lại.
b. Quan sát và điều động hơi thở vào não: Bạn điều động hơi thở và quan sát bằng khả năng trong não, thấy luồng khí trong sạch đang từ từ đi vào hai lỗ mũi, rồi nhẹ nhàng vào não, làm tăng oxy cho não. Sau đó, bạn điều động và quan sát sự vận hành của hơi thở có mang theo cặn bã mệt mỏi trong não đang đi ra đầu mũi. Bạn cảm thấy sảng khoái.
c. Quan sát và điều động hơi thở vào bụng: Bạn điều động hơi thở và quan sát bằng khả năng trong não, thấy hơi thở trong lành đang nhẹ nhàng vào từ đầu mũi, rồi đi vào bụng. Bụng bạn mở to hơn, cho hơi thở tươi mát rửa sạch các mùi hôi trong bụng. Và bạn điều động hơi thở mang theo những khí dơ bẩn trong bụng đi ra ngoài, qua hai lỗ mũi. Bạn cảm thấy khoang bụng dễ chịu hơn nhiều.
Trong quá trình tập trung quan sát và theo dõi đường đi của hơi thở, nếu suy nghĩ can thiệp vào làm mất khẳn năng điều động và sự biết về hơi thở đang diễn ra, thì bạn kéo sự tập trung chú ý của đầu óc về hơi thở, để tiếp tục vận hành, quan sát và biết rõ hơi thở đang lưu chuyển. Lúc đang thấy rõ hơi thở và đường đi của nó, là bạn đang ở trạng thái lực tỉnh thức tuyệt đối, ngược lại, bạn không đang biết rõ (do bị suy nghĩ chen lấn vào) tình trạng hơi thở đang diễn ra là mất lực tỉnh thức.
Ngoài mục đích chính đã nêu, điều động và quan sát hơi thở còn có nhiều lợi ích về mặt sức khỏe thân thể. Khi đã thành thói quen (chỉ sau vài tháng thực hành thực sự), bạn dễ dàng điều động hay dẫn dắt hơi thở đến một số cơ quan, bộ phận trong cơ thể để tăng cường sức đề kháng và khả năng hoạt động sung mãn hơn. Đặc biệt, bạn sẽ có thói quen sử dụng hơi thở để kiểm soát, chế ngự các ý tưởng và cảm xúc tiêu cực, khiến chúng ngừng sản xuất những hóa chất độc hại cho các cơ quan như tim, máu, gan, thận…
***
Bài thứ ba: Quan sát và lắng nghe sự im lặng thông qua hơi thở
Bài tập này phát triển khả năng lực tỉnh thức và sự tập trung của não, dựa trên sự lắng nghe âm thanh của hơi thở và sự yên lặng qua hơi thở. Nghĩa là, quan sát hơi thở để lắng nghe âm thanh hơi thở và khám phá cõi yên lặng bên dưới hơi thở. Đây là bài tập khó nhưng rất hấp dẫn, li kì và hết sức quyến rũ hành giả. Bởi vì, chỉ sau thời gian rất ngắn, tùy mức độ cố gắng, thành tâm và tập trung mà đạt được hai kết quả bất ngờ. Một là khám phá bí mật nền tảng của tất cả các hình thức gọi là hữu tướng. Hai là, bỗng dưng xuất hiện một năng lực bí mật, kì lạ từ bên trong mà người thực hành chưa từng trải nghiệm, làm cho hành giả hết sức sung sướng (an lạc)!
a. Quan sát và lắng nghe sự im lặng bên dưới hơi thở:
- Khép mắt và định vị thị giác trên đầu mũi.
- Bắt đầu thở vào và ra đều, nhẹ nhàng. Thở chậm hơn bình thường một chút.
- Theo dõi hơi thở đi vào và đi ra bình thường chừng từ hai đến 5 chu kì.
- Bắt đầu lắng nghe âm thanh của hơi thở vào và ra. Bạn cho hơi thở mạnh lên một chút, sao cho, bạn nghe được âm thanh của hơi thở như nge tiếng gió thổi vậy.
- Bạn từ từ hạ dần âm thanh, hơi thở bắt đầu chậm rãi và nhẹ hơn.
- Nghe nhỏ dần, nhỏ dần, và hình như bạn không nghe âm thanh của hơi thở nữa.
- Bạn vẫn biết rõ hơi thở vào và ra đang hiện hữu nhưng không còn nghe thấy âm thanh của nó.
Đến đây, bạn đang đi vào trạng thái nghe sự yên lặng của hơi thở.
Hãy chú ý! Sự nghe vẫn tiếp diễn bình thường, hơi thở vẫn đang hiện hữu.
“Quên” hơi thở… Chỉ còn sự nghe đang tiếp diễn… không ngừng. Bạn đang nghe âm thanh của sự im lặng! Bạn đang là chính bạn! Bạn chìm đắm trong một chiều sâu mà bạn chưa từng biết!
Hạnh phúc hiện hữu! Trí chủ sâu thẳm của bạn sẽ xuất hiện. Cuộc đời bạn bắt đầu thay đổi, và hoàn toàn là một kiếp sống khác hoàn hảo chưa từng có.
Hãy bắt đầu lên đường! Chúc bạn may mắn!
b. Quan sát và lắng nghe sự im lặng giữa hai hơi thở:
Bạn tập trung chú ý, quan sát và lắng nghe âm thanh của hơi thở đi vào. Trước khi hơi thở đi ra, có một khoảng im lặng. Nghĩa là, giữa điểm cuối của hơi thở đi vào và điểm đầu của hơi thở đi ra, có một khoảnh khắc im lặng. Bạn hãy cố gắng quan sát, nhận biết và lắng nghe khoảng yên lặng đó. Rồi hơi thở đi ra, ban lại tiếp tục lắng nghe âm thanh của nó. Cứ thế, bạn tập nghe cả âm thanh của hơi thở vào - ra và nghe sự yên lặng ở giữa khoảng cách của hơi thở đi vào và ra.
Bạn phải tập nghe nhuần nhuyễn cả âm thanh (tiếng động) của hơi thở và sự im lặng. Khi bạn nghe được rõ ràng sự im lặng, là thực hành có kết quả rồi!
Bài tập thứ ba, ngoài phát triển khả năng lực lực tỉnh thức, sự tập trung của đầu óc và những giá trị như nêu ở phần đầu, bạn sẽ khám phá chân lí của các hình thức.
*
Mọi chia sẻ, thắc mắc xin vui lòng gửi về hộp thư: thienvacuocsong@gmail.com hoặc Chuyên mục của toà soạn.
Kì VI: Quan sát và lắng nghe tiếng động để phát triển lực tỉnh thức, ra ngày 25/06/2011
Theo chuyên đề số 20 - PLVN
No comments :
Post a Comment