27.6.12

Phân biệt hoa sen và quỳ (sen quỳ)

Đầm sen hồng





Sen có tên Việt Nam là sen, ngậu (tiếng Tày). Có tên tiếng Anh là Lotus, tên nước ngoài là Sacred lotus, Chinese water-lily, Indian lotus, Egypian bean. Có tên khoa học là Nelumbo nucifera Gaertn. Tên đồng nghĩa là Nelumbium nelumbo (L.) Druce.; Nelumbium speciosum Willd. Thuộc họ Nelumbonaceae.

Có rất nhiều giống sen (khoảng hơn 100 loại) và nhiều màu hoa. Tuy nhiên, loại hoa sen với đầy đủ đặc tính được tôn vinh, tính chất về ẩm thực, nguyên liệu và dược lí được sử dụng trong xã hội Việt Nam xưa nay, chỉ một loại thôi, được đặt tên đích danh là sen (liên). Các loại khác có tên khác như quỳ (sen quỳ), sen đá, sen cạn, súng... được sử dụng ở dạng khác.

Cho đến tận bây giờ, thấy trên phố phường bán toàn hoa quỳ (sen quỳ), người mua cứ đinh ninh là hoa sen.
Thực ra, ở Hà Nội, không dễ mua hoa sen và đắt gấp chục lần hoa quỳ. Vì ít người phân biệt được sen với quỳ, nên người bán bán quỳ với giá sen. Nếu chịu trả giá, sẽ thấp hơn nhiều. Nhưng vấn đề là, quỳ không mang lại những giá trị như sen, mà người mua cần. Ngay cả các phương tiện truyền thông, nói về các đặc điểm, công dụng của sen (theo truyền thống, sự hiểu biết hoặc sách vở), nhưng lại đưa hình ảnh quỳ (tức là không phân biệt được và không y cứ vào thực tế). Thậm chí, có người nghiên cứu, trình bày rất tỉ mỉ về sen, mà lại minh chứng bằng quỳ.

Xin nêu một số đặc điểm giữa sen và quỳ, hi vọng người yêu, thích sen phân biệt được, để khỏi bị hớ. Và quan trọng nhất vẫn là, được chiêm ngưỡng và thưởng thức hoa sen với đầy đủ tính chất, giá trị của nó. Chứ không, mua phải hoa quỳ về cắm, lễ sống nó cũng chả nở cho đâu à. Bí quá, không có sen, mua quỳ về cắm cũng được. Nhưng phải chịu khó nhặt cánh nó ném đi, không thì chỉ tổ mùi thối.

Quy ước hình ảnh so sánh (Q = hoa quỳ, S = hoa sen):

Bình hoa sen và quỳ

1. Thân
Cuống hoa sen nhỏ và ít gai hơn quỳ. Gai sen không sắc, ác như quỳ. Vô tình sờ vào, cũng không bị cào tổn thương. Vì thế, người ta lội vào giữa đám sen cũng không làm sao. Thậm chí, lả lơi giữa đầm sen cũng vẫn an toàn. Còn nếu là quỳ, thì có mà... thương tích đầy mình. Gai sen gây tổn thương da lành (không có độc tính), không bị buốt, nhức, ngứa như quỳ.

Thân hoa và lá sen với quỳ 

2. Lá
Mặt dưới lá sen ít lông, mịn và mượt hơn quỳ. Không gây ngứa ngáy như quỳ. Do vậy, mới dùng để gói cốm, thịt, xôi, làm thuốc... còn nếu dùng lá quỳ, mà không làm sạch lông, thì... giã họng.

3. Búp (nụ)
Búp sen hình bầu tròn, đầu búp không vót nhọn như quỳ, to, ngắn hơn, nhìn đầy đặn hơn quỳ. Sờ vào búp sen, chắc hơn búp quỳ. Đỉnh các cánh cong, chứ không nhọn hoắt như quỳ. Búp sen già, cánh có xu hướng mở ra, nhìn như miệng hồ lô, cánh hoa dưới gốc búp không rụng, vẫn dai. Nếu là sen hồng, đầu cánh hồng thẫm. Trong khi, búp quỳ già, cánh có xu hướng vón chặt lại, nhìn như mũi giáo, cánh hoa dưới gốc tự rụng, hoặc khẽ đụng vào là rụng. Đầu cánh búp quỳ hồng già chuyển sang tím đen và héo, tóp lại. Khi mua, cứ cầm bó hoa chúi xuống đất, rũ rũ vài cái. Quỳ sẽ rụng rơi cánh, sen thì không. Nếu người bán ngắt hết các cánh bên ngoài dễ rụng rồi, nhìn hoa quỳ rất mỏng, cánh ngoài còn lại non choẽn (nên nó sẽ thối và gục đầu chứ không nở). Hoa sen, không có lí do ngắt cánh. Kể cả khi cánh ngoài bung ra, cũng vẫn dính chặt cuống, rũ không rơi.

Búp sen và quỳ trắng
Búp sen và quỳ trắng

Búp hoa sen và quỳ hồng
Búp hoa sen và quỳ hồng

4. Hoa (bông)
Hoa sen dễ nở, nếu ngắt, tươi được khoảng ba ngày. Khi nở, cánh sen hình bầu, rộng, tươi, kể cả khi rụng xuống. Hoa sen nở bung, xoè ra hết cánh, nên nhìn rất to, cánh vẫn còn nguyên khi nở. Nở rồi mới rụng cánh. Cánh sen màu hồng phớt hoặc trắng tinh. Hoa sen nhiều lớp cánh, nên sờ vào nửa trên của hoa không bị xọp như quỳ (quỳ chỉ có một lớp cánh lớn dần ngay từ khi ra nụ). Còn quỳ rất khó nở, nếu ngắt, thì gần như không nở, cả bông hoa bị gục và rụng cánh dần. Cánh quỳ hình mui thuyền (nhọn), dài và lòng cánh bé, có đấu hiệu héo, khô ngay khi chưa rụng. Không nở cũng rụng cánh lả tả. Cánh quỳ màu tím thẫm hoặc tím than, chứ không hồng, hoặc trắng lợt (pha xanh, nhìn dại dại). Khi hoa quỳ nòi nhuỵ ra (nở vì cánh rụng gần hết), chỉ còn vài cánh dính lại và nhanh chóng rụng nốt, coi như đã tàn. Hoa sen, dù bị héo, mà chưa rụng cánh hoặc chết hẳn, khi cắm, sẽ tự tươi trở lại và nở như thường. Còn hoa quỳ, chớm héo, thì chỉ có ném đi thôi. Cho nên, người bán hoa, lúc nào cũng bơm nước cho quỳ.

sen và quỳ hồng

Cánh hoa bên trong sen và quỳ hồng: Vạch hoa ra, sen có những cánh nhỏ bao quanh đài, quỳ không có (chỉ một lớp cánh hoa bên ngoài). 

Hoa sen và quỳ hồng
Hoa sen và quỳ trắng
Hoa sen và quỳ trắng

5. Mùi hương
Đây là đặc điểm chính để phân biệt giữa hoa sen và quỳ, khi sử dụng. Cánh sen có mùi thơm, cánh quỳ không có. Hương sen thơm mát, dễ chịu, ngay khi nụ hé là có mùi rồi, ở xa cũng ngửi thấy mùi. Còn hương quỳ nồng, ngái, hắc, khi nòi nhuỵ ra mới có mùi, ngửi sát mới thấy mùi. Vì vậy, nếu cắm một bình sen, cả căn phòng sẽ có mùi thơm, còn quỳ thì không. Ngang qua đầm sen cũng vậy, dù ở xa mà xuôi chiều gió là ngửi được mùi thơm. Còn quỳ, thì phải tới tận nơi, thậm chí lội vào giữa đầm cũng chả có mùi nếu không có hoa nở ngay chân.

6. Hạt và tâm
Hạt sen và quỳ, nhìn bên ngoài như nhau. Nhưng tâm sen có vị đắng, chát. Ăn xong một lúc mới thấy ngọt mát noi cuống họng. Hạt sen có vị ngậy, béo, thanh. Ăn cả hạt và tâm, chỉ hơi hơi ngọt kiểu của đường. Còn quỳ, thì ngọt nhợ kiểu mì chính (bột ngọt), ăn không quen có cảm giác buồn nôn, tâm quỳ chát nhiều, ít đắng. Ăn xong một lúc, cũng chỉ thấy vị chát.

Hoa sen và quỳ hồng
Quả và hạt sen 

Tâm (tim) sen
Tâm (tim) sen 

7. Ngó (rễ)
Là phần rễ nằm dưới bùn, lâu ngày sẽ phát triển thành củ. Màu trắng, tiết diện gần tròn, có khía dọc màu nâu, ngọn có mang chồi hình chóp nhọn. Bẻ đôi ra, có những sợi tơ trắng dính như nối lại, quyến luyến. Thế nên, cụ Nguyễn Du mới viết trong Kiều rằng: “Tiếc thay chút nghĩa cũ càng. Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng.” Tức là, dẫu bị gẫy khúc, đứt đoạn, chia lìa, nhưng vẫn còn vấn vương, luyết ái trong lòng. Tóm lại, ngó sen có các đặc điểm, thân trắng, mịn, vỏ mỏng, đốt mắt nhỏ, phần bên trong sáng và nhẵn, đốt ngắn, ăn mềm. Còn ngó quỳ, thì thân hơi có màu hồng hoặc xanh, ráp, có những đường nhăn rõ, đốt mắt to, gồ lên, phía trong có đường nhân, đốt dài, giống hình trụ dẹt, ăn hơi cứng, nhiều xơ và hơi dai.

Tâm (tim) sen
Ngó (rễ) sen 

8. Củ
Củ sen là phần phát triển cuối cùng của rễ. Củ sen và quỳ nhìn bề ngoài rất khó phân biệt, chỉ người có kinh nghiệm thử mùi vị mới biết.

Củ sen
Củ sen 

9. Côn trùng
Hoa sen chỉ cần hé nụ, là ong, bướm, kiến, dĩ... bu lại rất lâu. Còn quỳ, phải khi nở trơ nhuỵ, mới thấy côn trùng sà vào (chủ yếu là bướm), nhưng lại bay đi ngay, không đậu lại hút mật.

10. Nguyên liệu
Cả quỳ và sen đều được sử dụng triệt để, nhưng tác dụng khác nhau.

- Đầu tiên phải kể đến tác dụng nguyên liệu trong ẩm thực, rất tốt cho sức khoẻ. Hoa, hạt, lá non và thân rễ (ngó) ăn được (kể cả ăn sống). Cánh hoa được sử dụng tô điểm món ăn, lá dùng gói thức ăn. Thân rễ (ngó sen) là thành phần được sử dụng nhiều nhất, để chế biến nhiều món ăn hấp dẫn như xúp, canh, món xào, gỏi... Nhị hoa phơi khô để ướp chè. Hạt có nhiều công dụng, ăn tươi (khi non) hoặc sấy khô và nổ tương tự bỏng ngô. Hạt sen già và củ luộc mềm và được dùng chế biến các món như xúp, canh, chè sen, mứt sen, bánh kẹo...

- Lụa tơ sen, hầu hết các sản phẩm lụa tơ sen đều được dệt từ sợi tơ trong cuống của hoa sen trắng. Tơ sen có màu trắng hoặc nâu tự nhiên. Sản phẩm từ lụa tơ sen được đánh giá không kém lụa tơ tằm.

- Lá sen có đặc điểm không thấm nước, được ứng dụng trong khoa học vật liệu, gọi là hiệu ứng lá sen, để chế tạo các bề mặt tự làm sạch.

11. Dược liệu, dược lí
Cả quỳ và sen cũng đều được sử dụng triệt để, tất nhiên, tác dụng dược lí khác nhau. Có thể nói, sen là một trong các loài thực vật được ứng dụng trong y học dân gian sớm và lâu đời nhất của các nước Phương Đông. Từ các nền văn hoá Ai Cập, Hy Lạp, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Malai, Việt Nam, Campuchia, Lào... Y học hiện đại gần đây mới nghiên cứu kĩ lưỡng và xác thực nhiều thành phần, bổ sung thêm tác dụng dược lí của sen. Nói chung, toàn bộ cây sen đều có tác dụng dược lí (thuốc), kể cả mùi hương. Tuy nhiên, quỳ thuộc họ sen, nên vẫn có các tác dụng dược lí tương tự, nhưng chỉ ở chừng mực nào đó thôi (và chưa được kiểm chứng), chứ không thể như sen. Bởi vì, chỉ cần căn cứ vào đặc tính của hoa, sen đã khác rất nhiều quỳ rồi. Và ở đây, chỉ đề cập đến sen theo y học dân gian, không nói quỳ. Một số tác dụng dược lí của sen (dùng tươi hay khô hoặc kết hợp với các vị thuốc khác, tuỳ từng bệnh) như sau:

- Lá sen (liên diệp, ngẫu diệp hay hà diệp): Có vị đắng, tính bình, vào kinh can, tỳ vị. Dùng an thần mạnh hơn tâm sen, cầm máu, hạ huyết áp, thanh thử, lợi thấp, tán ứ, giảm cholesterol (mỡ) máu, béo phì, máu hôi không hết sau khi sinh.

- Cánh và hương hoa sen: Lợi khí, thông huyết, tác dụng giúp thư thái, ổn định tinh thần, phấn chấn, chống lão hoá, trẻ và đẹp da.

- Tua nhuỵ sen (liên tu): Chính là nhị của hoa sen. Chứa nhiều tanin, vị chát, tính ấm, có tác dụng sáp tinh, ích thận, thanh tâm, chỉ huyết (cầm máu), cầm xuất tinh, chữa băng huyết, thổ huyết, di - mộng tinh, bạch đới, đái dầm, đái nhiều.

Tua (nhị) sen
Tua (nhị) sen 

- Gương sen (liên phòng), gương sen đã lấy hạt đi: Vị đắng sáp, tính ôn, có tác dụng tiêu ứ, cầm máu, băng huyết, tiêu và tiểu ra máu, đau bụng dưới do ứ huyết.

- Quả sen (liên thạch): Cho hạt bên trong, gọi là liên nhục hay liên tử (hạt). Vị ngọt sáp, tính bình, bổ dưỡng tỳ vị, bổ dưỡng tâm, ích thận. Có tác dụng an thần, đau đầu, tâm thần bất ổn, hay sợ sệt, hay quên, các trường hợp suy dinh dưỡng, điều hòa sự hấp thụ thức ăn, tiểu đục và một số bệnh phụ nữ, điều trị bệnh lỵ mãn tính, trị cấm khẩu.

- Tâm (tim) sen (liên tâm): Vị đắng tính hàn, có tác dụng an thần nhẹ, thanh nhiệt, chữa bệnh tâm phiền, mất ngủ, sốt và khát nước, di mộng tinh, tim đập nhanh, huyết áp cao, hồi hộp, hoảng hốt. Vì tim sen có chứa độc tính, nên phải khử độc bằng cách sao khô. Đó là lí do, không uống tâm sen tươi.

- Ngó sen (liên ngẫu hay ngẫu tiết): Đây là bộ phận dược lí được dùng nhiều nhất của sen (cả trong ăn uống). Tính hàn, vị ngọt mát, thanh nhiệt, bổ huyết, bổ thận, bổ tỳ vị, lợi thuỷ thông kinh. Tác dụng dinh dưỡng, giúp tiêu hóa, chống mệt mỏi, mất ngủ, miệng khô, háo khát, giải độc rượu, tráng dương. Trị cầm máu, tiêu ứ máu, ho ra máu, nôn ra máu, chảy máu cam (máu mũi), kinh nguyệt không đều, tiểu tiện ra máu, viêm đường tiết niệu, đái dắt, rong huyết (băng huyết), sốt xuất huyết, xuất huyết dưới da, nóng trong, cồn cào, tiểu buốt, thổ tả do trúng thử, lao phổi ho ra máu hoặc khi nôn ra máu.

Tóm lại, với tình hình thị trường bây giờ, khoảng 90% người mua sen vớ phải quỳ. Sản phẩm là quỳ, nhưng giá cả của sen (sen luôn cao giá hơn quỳ gấp 5 – 10 lần). Căn cứ vào đặc điểm của hoa và nụ, mùi hương, để nhận diện sen và quỳ là dễ dàng, chính xác hơn cả.

Xem lại về hoa sen, để nhận diện được rõ hơn:
Sen hồng:

Sen hồng

Sen hồng

Sen hồng

Sen hồng

Sen hồng

Sen hồng

Sen hồng

Sen hồng

Sen trắng:

Sen trắng

Sen trắng

Sen trắng

Sen trắng
Đầm sen trắng

Phú Tuệ

4 comments :

  1. Cám ơn entry này của bạn nhiều nhiều. Nhờ đó mà biết thêm một điều về Sen và Quỳ

    ReplyDelete
  2. thanks Phú Tuệ, trong Nam cũng chả phân biệt được, nhờ PT viết mới biết

    ReplyDelete
  3. Anonymous13/5/13 14:43

    Thấy rồi

    ReplyDelete

Định dạng nhanh toàn Blog

Bản quyền thuộc Người lính Việt,Blogger-@2014-Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024,tỉ lệ 100-125%.

Trang chủ | About Me | Chuyên trang video quân đội | Chuyên trang người lính với cộng đồng | Liên hệ