12.6.14

Nhật kí lính – chung sống hoà bình với rắn độc



Một quả đạn đang được anh em công binh xử lí

Một điểm của dòng Sesan
"Cánh lính ra sông tắm, bất thần gặp hai con rắn hổ to như bắp chân đang quấn vào nhau. Thấy người, chúng ngóc đầu, nhìn chăm chăm, nhưng không tấn công. Mình từ từ rút và ra hiệu cho anh em lên bờ, để được an toàn. Mấy anh em quây lại, còn một con vẫn ẩn mình trong gốc cây, thò nửa người ra và ngóc đầu lên, bành mang ra. Nó không có dấu hiệu tấn công, mà như đang thủ để giữ cái gì đấy. Cả đám nhìn nhau, phân chia thế trận vây bắt. Mình ngăn lại:

- Không được, cứ kệ nó đi.
- Nhưng đây là bãi tắm, chốn sinh hoạt thường xuyên, nhỡ may...
- Chắc con này là con cái đấy, nó đang cố giữ tổ trứng. Nếu nó tấn công, thì anh em ta dính độc rồi. Bây giờ, giết con này, con đực sẽ tìm cách trả thù. Ở giữa rừng hoang thế này, chúng ta không bằng rắn đâu. Nửa đêm, nó mò vào doanh trại (lán của anh em gần bờ sông), cho mỗi người một nhát, thì đi cả đội. Tốt nhất, là sống hoà bình với nó. Với lại, nếu bị rắn này cắn ở đây, chỉ có bỏ mạng thôi, tôi không đủ sức giúp các đồng chí.
- Anh có chắc chúng sẽ không tấn công mình vào dịp khác không?
- Nếu mình không đụng nó, nó sẽ không đụng mình đâu.
Thế là, anh em rời đi tắm tạm ở bãi khác. Những ngày sau, ra tắm, mọi người đến gốc cây nhìn, nhưng không thấy hai con rắn ấy nữa. Chắc chúng bỏ đi, vì không muốn đụng độ và gây chiến với cánh lính trẻ. Hoặc, bản thân chúng cũng muốn sống hoà bình.

Rắn hổ chúa
Lần đầu tiên thấy rắn rừng, to gấp nhiều lần loại thường thấy, đen ngòm và dữ dằn, thật kinh hãi. Mấy ngày sau, cứ loay hoay tìm hiểu về các loài rắn ở rừng Tây Nguyên, Trường Sơn, Lào, Campuchia. Nào là độc tính, đặc tính, đặc điểm, cách chữa trị, phòng ngừa... loạn hết cả trí. Lần dở quyển sổ nhỏ xíu, nhớ được tới đâu, ghi vào tới đó, cả những bài thuốc dân gian mà mình biết. Thế rồi, tập hợp anh em, truyền đạt lại những nguyên tắc cơ bản:

- Ở đây, chúng ta có năm sát thủ mạnh là bom mìn, chất độc da cam, rắn độc, thú dữ và sông suối. Nhưng rắn độc có đồng đội và máy móc, súng đạn không phải đối thủ của chúng. Đồng thời, mỗi bước chân, chúng ta đều có thể gặp. Vì vậy, tôi mong các đồng chí chấp hành các nguyên tác phòng tránh, chống, trị rắn độc như một mệnh lệnh. Củng cố lại lán trại, mở rộng đường biên an toàn doanh trại. Trên đường hành quân, đồng chí đi đầu có trách nhiệm xua rắn, chỗ nghỉ ngơi, phải để ý và làm động tác xua rắn ở các lùm cây, cành cây... Vì có loài rắn “tàng hình” cực độc, rất khó phát hiện bằng mắt. Tuyệt đối không được sát hại rắn, nếu không bị dồn vào đường cùng, ưu tiên mọi cách tránh né. Nếu bị rắn cắn, không cần biết độc hay không, lập tức garo và quơ lấy ít cỏ hay lá cây lành ngay đó, nhai, nuốt, trước khi quân y có mặt. Phải giữ bình tĩnh, hít sâu, thở nhẹ và bất động. Có đồng chí nào thắc mắc gì nữa không?

- Đồng chí quân y giải thích thêm về rắn “tàng hình”, để anh em nắm rõ. Trong trường hợp đã bị cắn, có nên giết để trả thù không?

Một khúc dòng Sesan
- Rắn “tàng hình” là loài rắn đồng màu với lá cây, cành cây. Chúng thường trú ngụ, nguỵ trang thành như một bộ phận của cây. Thông thường, ban ngày, mắt chúng rất kém, nhưng khi đụng phải, thì phản ứng đối kháng tự nhiên vẫn chính xác. Ban đêm, mắt chúng cực kì tinh tường, còn chúng ta không thấy gì. Khi đã cắn trúng đối thủ, rắn thường tìm cách chạy trốn ngay, nên nếu không biểu hiện tấn công tiếp, thì không truy sát. Vì có giết, cũng không giải quyết được gì. Tránh trường hợp “đồng đội” chúng tìm cách trả thù.

- Loài rắn độc nào ở đây cắn, đồng chí quân y không chữa được? Có thuốc phòng không?

- Không có thuốc phòng, chỉ có kĩ năng tránh. Chúng ta đang sống giữa hàng nghìn ha rừng nguyên sinh, loài rắn nào cũng rất độc. Tôi sẽ cố gắng hết sức mình. Nhưng nếu tôi hết cách, mà chúng ta không đủ thời gian, điều kiện, để chuyển về tuyến viện, nên chỉ biết làm thủ tục phong tặng danh hiệu liệt sĩ thôi. Vì vậy, tôi không muốn, anh em ta phải chiến đấu và lí do hi sinh vì rắn độc cắn. Có vẻ không oanh liệt lắm.

Bốn tháng ròng rã sau đó, trèo đèo lội suối, dọn dẹp sạch bom mìn trong hàng trăm ha rừng nguyên sinh, không ai gặp rắn nữa. Quân y cấp trên gửi điện khen ngợi, rằng là: Trong những chuyến công tác đặc biệt như thế, bộ đội hi sinh nhiều vì rắn độc cắn. Và rằng: Đồng chí quân y hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quân y... Nhưng mình thấy, là do anh em tự biết mức độ nguy hiểm của rắn và tránh được. Còn mình, không tự tin lắm trong điều trị rắn độc cắn. Chỉ tự tin trong việc phòng tránh. Cũng có thể, loài rắn thấy đầu óc anh em mình không coi chúng là mối nguy hại như kẻ thù, phải tiêu diệt”...

***
* Mình muốn tả chi tiết về hai con rắn, nhưng không nhớ rõ, nên cả ngày suy tư, nhớ lại. Nhớ mãi không ra, chỉ biết là rắn hổ chúa.

Thế rồi, vừa chợp mắt, thấy ngay hai con rắn, một con nhỏ xíu, một con to đùng. Con to cứ trườn vào một người, mình vừa nói người ấy lùi lại, vừa cố bắt nó. Bắt toàn trượt, nó quấn vào người kia, rồi lại bò ra... mình đuổi theo để bắt. Nhưng chợt nhớ ra, hỏi người kia "bị cắn chưa". Hoảng loạn, nhưng vẫn trả lời "chưa". Mình thấy lạ quá, sợ hoảng quá không xác định rõ, hỏi tiếp "có thấy đau chỗ nào không?" Nó trả lời, "không". Nhìn lại, thấy hai con rắn đã chui ra khỏi chăn, đang bò ra ngoài cửa. Con to đi trước, con nhỏ theo sau.

* Giật mình, mở mắt. Thấy rằng, quan trọng nhất vẫn là "chung sống hoà bình", kể cả với loài rắn cực độc.

Viết cho đồng đội
PT

No comments :

Post a Comment

Định dạng nhanh toàn Blog

Bản quyền thuộc Người lính Việt,Blogger-@2014-Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024,tỉ lệ 100-125%.

Trang chủ | About Me | Chuyên trang video quân đội | Chuyên trang người lính với cộng đồng | Liên hệ