10.6.14

Nhật kí lính - nhận nhiệm vụ và xây dựng doanh trại giữa rừng hoang



Kế hoạch là nhất định phải đến được vùng tập kết trước khi trời tối, để kịp thời và dễ dàng chọn lựa vị trí xây dựng doanh trại, nơi ăn chốn ở. Do đó, đoàn xe hành quân không nghỉ. Đói, thì cứ tự lấy lương khô được cấp cho cá nhân ra mà ăn.

Đường hành quân chập chùng, trắc trở vô cùng. Gọi là đường, mà chả phải đường, chỉ là một tuyến phóng vừa một người đi, rừng cây hai bên um tùm. Có đoạn chả thấy đường, lính phải nhảy xuống cưa cây, phát cỏ, khuân đá, đào đào lấp lấp... để tạo đường. Mà phải làm ngon lành, còn cho xe trở ra, xe tiếp phẩm những lần sau nữa. Vì khi ấy, chỉ có lái xe và phụ, không có lính, nên nếu không đi được hay bị làm sao, thì chỉ có ngồi... kêu trời. Nhiều đoạn bên vách núi, bên vực thẳm, đường bé xíu, chênh vênh, lính phải xuống xe, để bảo đảm an toàn và hộ tống xe. Lúc leo đồi, lúc xuống dốc. Khi nào cũng lắc lư như đánh đu, chòng chà chòng chành, lính hết đổ dồn bên này, lại bổ nhào bên kia, nên mệt mà chẳng thể ngủ.


Khoảng 17h, đoàn xe dừng lại gần một quả đồi. Anh chỉ huy đội nhảy xuống, dở địa đồ, cầm la bàn xoay xoay, bảo, “chắc là đây”. Lái xe và mình cũng xuống, dòm qua ngó lại, quanh quanh toàn rừng núi không. Mình hỏi anh chỉ huy: Đây là điểm dừng nghỉ đêm hay dừng ở? Anh ý bảo: Tập kết. Úi giời ơi, bố mẹ ơi... tập kết gì lại giữa rừng nguyên sơ, âm u, hoang vắng và lạnh toát thế này.

Tất cả xuống xe, cứ ngơ ngơ ngác ngác, thì thà thì thầm, “có nhầm không vậy?” “Ở đây thì làm gì?” “Sống sao nổi?”...

Nhận lệnh tập hợp, nhóm đơn vị nào đứng theo đơn vị ấy, quân số, vũ khí trang bị đủ, gồm c10, c11, c12 của d3 và c17 trực thuộc e. Anh chỉ huy công bố nhiệm vụ là dò, phá bom, mìn cấp e, tại khu vực này và phổ biến công tác xây dựng doanh trại.

Do đột ngột, bất ngờ, hoang mang, nên tất cả ngồi phịch xuống, mặt thằng nào cũng tái mét như... chết đến nơi rồi ý. Mấy anh nhà xe thì cứ hối thúc bốc vác đồ xuống nhanh, để xe còn về trong đêm. Mình mới bảo: Xe phải ở đây đến sáng mai chứ, nhỡ có chuyện gì, còn có xe cơ động. Mặt khác, cũng phải nhờ xe xây dựng doanh trại tạm thời mới nhanh được. Với lại, các anh về đêm hôm, chắc gì đã đi được, nguy hiểm lắm. Thực ra, trong đầu mình tính, phải nhờ xe kéo cây lớn, bật đèn chiếu sáng mới thấy đường mà làm. Ngoài ra, để đêm nay, anh em tranh thủ viết thư chuyển về đơn vị, nhờ gửi về quê cho kịp, còn xem cần bổ sung gì, thì báo xe về xin luôn. Nhưng lo lắng nhất là, chẳng biết đây là đâu, tình hình thế nào, đồng bào thiểu số có không... Một nhúm người giữa rừng hoang vu, lạnh lẽo, nhỡ bị phun rô, thổ phỉ tấn công, thì có mà...

Mình với anh chỉ huy đi vòng vòng, để xác định vị trí dựng doanh trại, gồm lán ở tập trung, lán nhà bếp, hậu cần, chỉ huy, quân y. Vừa đi, anh ấy vừa bảo: Anh chưa có kinh nghiệm đi rừng như này, em có rồi, giúp anh chỉ huy bộ đội xây dựng doanh trại và làm việc nhé. Với lại, anh không phải chỉ huy trực tiếp ở đơn vị các lực lượng này, nên sẽ khó thu phục (vì anh này là c trưởng c12 (cối 82), nên ít được biết đến tại đơn vị). Mình đáp: Em đã đi thế này bao giờ đâu mà có, mình cứ làm, rồi củng cố dần dần cho phù hợp. Anh phụ trách chỉ huy chung, lực lượng hậu cần và lính c anh (có 5 thằng), em phụ trách bảo đảm an toàn nơi ăn chốn ở và làm việc của lực lượng còn lại. Bây giờ, phải tập trung làm lán ở chung trước, và cho hậu cần nấu ăn tạm bữa tối, mới có sức mà làm.

Hai anh em thống nhất, lán hậu cần, lán bếp, lán ăn, lán chỉ huy ở vị trí đất bằng phẳng, liên kết với nhau và gần nước (gần một nách suối khô, nên đào giếng sẽ có nước). Còn lán lính tập trung và quân y ở sườn quả đồi. Hai vị trí cách nhau chừng 200m, nhìn thấy nhau rõ. Anh chỉ huy phụ trách xây dựng lán phía hậu cần, mình phía còn lại. Lực lượng nào tự tổ chức làm của lực lượng ấy, bên nào xong trước thì tăng cường cho bên kia. Hai xe nổ máy chiếu sáng, một xe vận chuyển cây lá. Xác định, chậm nhất 23h là phải xong chỗ nằm nghỉ an toàn.

Bộ phận dò mìn được lệnh dò hết khu vực sẽ dựng trại và hoạt động. Một tổ ba người đi tuần tra, cảnh giới và canh gác khu vực, thống nhất là có chuyện gì thì nổ súng chỉ thiên 3 viên. Bộ phận hậu cần đi kiếm củi khô, nước và tổ chức nấu ăn tạm, đun nước uống.

Mệt thì mệt lắm rồi! Ban đầu, tinh thần, tâm lí ai cũng uể oải, chán nản, đi chả muốn đi nữa là làm... cứ phải động viên, nói chuyện cười và lạc quan. Nhưng rồi, do có thói quen và bản chất lính, nên vẫn hăng hái hội ý và làm... cũng chẳng thấy mệt. Cứ vừa làm vừa hội ý, ai có kinh nghiệm, sáng kiến gì, vận dụng, phát huy bằng hết, rồi thống nhất làm như những cỗ máy.

Trời nhờ nhợ tối, mấy chục người lính ẩn hiện trong những gốc cây, bụi rậm. Tiếng cưa, xẻ, dao rựa, cuốc xẻng, nói cười... vui ơi là vui. Phải vui chứ, vui mới cảm nhận được sự an toàn, mới biết rằng bên cạnh mình còn các đồng đội. Mặc dù mấy chục người, nhưng lọt thỏm giữa đại ngàn âm u, nên cảm tưởng như chỉ một mình thôi, lạc lõng, cô đơn lắm lắm. Cho nên, ai làm gần ai là thi thoảng cứ kiếm cớ, giả vờ quệt vào nhau tí... cho chắc ăn.  

Vận động nhau, ráng làm nhanh lên lấy chỗ nằm tránh sương và có thời gian viết thư gửi ra (thực ra là sợ rắn rết, côn trùng độc hại, nhưng tránh không nói ra thôi). Hình như thế, hình như càng làm việc hăng hái, thì cảm giác sợ sệt, lo lắng càng tiêu tan, không xâm lấn cõi lòng. Mặc dù lính “ô hợp”, chả biết nhau ở đơn vị, nhưng phối hợp nhịp nhàng, ăn ý lắm.

Mọi việc đang diễn ra thon thả, thì bỗng nghe tiếng ầm ầm từ đằng xa. Không ai bảo ai, tất cả vứt bỏ dụng cụ lao động, vồ lấy súng và đeo ba lô, tìm chỗ nấp, ô tô tắt máy, im phăm phắp. Tiếng ầm ầm mỗi lúc một to, gần, nghe như núi đồi sạt lở. Mình bò tới chỗ anh chỉ huy, bảo: Em nghe như tiếng nước đổ, gần đây có sông, suối, thác gì không? Anh ấy đáp: Có, sông rất to, là nhánh của sông Mê Kông. Em xem đi, nó đây này – anh chỉ huy rọi đèn pin vào tấm địa đồ. Thở phào... Thì ra nước thượng nguồn đổ về. Vì tối quá, chưa thể xác định được con sông cỡ nào, nhưng nghe tiếng nước, thì biết là rất rộng lớn.

Xe tiếp tục nổ máy, mọi người tiếp tục làm việc, tiếng nước vẫn cứ đổ ầm ầm. Bất ngờ, một thằng trong bộ phận hậu cần vừa chạy vừa la í ới. Hoảng sợ tới mức, chạy tới chỗ mọi người đang làm rồi, vẫn cứ chạy vòng vòng. Không hiểu chuyện gì mà nó cứ cắm đầu chạy như ma nhập, ma rừng ý. Mình chặn lại, hét toáng lên: Có chuyện gì thế? Nó sững người, run rẩy, khóc lóc, lập bà lập bập: Có, có... bom. Mình nạt: Bom đâu mà bom, tiếng nước chảy mà. Không phải, có quả bom... nằm ở kia kìa... chỗ em đi lấy nước đấy.

Anh chỉ huy kêu nó dẫn ra, mà nó cứ ngồi co rúm lại, không chịu đi. Anh chỉ huy, mình và tổ dò mìn theo hướng nó chỉ, ra tìm quả bom. Ờ, đúng là quả bom rồi. To chà bá luôn, nhìn dễ thương thật. Cơ mà cũng lạnh gáy, sởn hết gai ốc. Trần đời mới thấy quả bom nằm giữa rừng kiêu hãnh đến thế. Anh chỉ huy cũng toát mồ hôi. Hai thằng tổ dò phá bom, mìn nói mình với anh chỉ huy lùi lại, chúng nó tiến sát vào quả bom, soi soi, sờ sờ một lúc rồi quay ra, cười hờ hờ, bảo: Không sao anh ơi, không nổ được đâu, cứ kệ nó nằm đấy đi, bọn em cắm cờ, khoanh vùng an toàn rồi, để mai xử lí, lấy về làm kẻng đơn vị. Mình bảo: Cho anh vào sờ thử được không? Một thằng đáp: Không được. Nhỡ có thứ khác gần đấy, nổ banh xác thì chết dí tất. Ối giời ạ, thế sao bảo... lấy về làm kẻng? Vâng, kẻng thì kẻng, nhưng giờ vẫn “bùm” được đấy.

Ờ, thì bom, mìn không phải chuyên môn của mình và cả anh chỉ huy, nên phải nghe lời thôi. Cấm dám phản ứng. Đến lúc này, dường như tất cả đều ngầm hiểu lời dặn của chỉ huy lúc ở đơn vị với ý giống như "viết sẵn di chúc đi".

Sau khi ăn nháo nhào mì tôm, tất cả lại hì hục làm việc. Tới tầm 22h30, thì tạm nghỉ. Cơ bản đã có chỗ nằm an toàn. Mấy đứa tranh thủ viết thư. Mình và anh chỉ huy với các anh lái xe hội ý. Mình lập danh sách đề nghị xin chỉ huy đơn vị bổ sung gấp thêm các loại thuốc men, dụng cụ quân y, nến thắp sáng, giấy vở, loại thực phẩm thích hợp với môi trường rừng rú, quân trang... mà mình thấy cần thiết cho cuộc sống lâu dài tại rừng hoang. 

Lúc về lán, đứng nhìn, cứ ba, bốn thằng chụm đầu vào một ngọn nến, hí hoáy viết thư, vội vàng, gấp gáp... mà nước mình mắt cứ chực chảy ra. Đều mới chỉ mười chín đôi mươi thôi mà... xanh rờn.

Kì tiếp: Xâm nhập khúc tráng ca lịch sử

No comments :

Post a Comment

Định dạng nhanh toàn Blog

Bản quyền thuộc Người lính Việt,Blogger-@2014-Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024,tỉ lệ 100-125%.

Trang chủ | About Me | Chuyên trang video quân đội | Chuyên trang người lính với cộng đồng | Liên hệ