30.6.14

Nhật kí lính – cứu đồng đội trôi sông (P1)





Những ngày giáp Tết Nguyên Đán 2001, mai vàng bờ bên kia dòng Sesan (thuộc vùng sông Mêkông) nở vàng choé. Mặc dù khoảng cách con sông rất lớn, nhưng vẫn thấy rõ màu vàng rực rỡ của mai rừng mọc san sát nhau ở bìa rừng, cạnh bờ sông. Cây mai rừng to lắm, đến 4-5m trở lên, chứ không nhỏ nhắn như mai cảnh.

Lạ thật! Cùng vùng địa lí, thổ nhưỡng, chỉ cách một con sông, mà phía bờ bên này tuyệt đối không có mai.



Gần 9 tháng ở đây, mấy chục anh em vẫn chưa từng gặp mặt người lạ nào, kể cả phía bờ bên cũng không hề thấy bóng dáng người. Mà cho dù thấy, cũng chả có cách nào liên lạc được, vì sông quá lớn. Mong lắm! Thèm được giao tiếp với người lắm! Chỉ cần người thôi, chứ chưa nói tới tin tức, tình hình, không khí dân sinh ngoài rừng. Đôi khi cảm thấy như bị lạc lõng, bỏ rơi giữa rừng hoang vu. Chả khác nào thời kì Đồ Đá.

Mặc dù đã quen với nếp sống rừng thẳm từ lâu, nhưng gần Tết, nỗi nhớ nhung đơn vị, đồng đội, sự thèm khát được gặp mặt người dâng đầy trong từng ánh mắt, sóng sánh từng cơn. Chỉ là không thằng nào nói ra hay bộc lộ mà thôi. Vẫn chưa nhận được lệnh về đơn vị ăn Tết... nên tất cả đều chắc mẩm, ăn Tết trong rừng rồi!

Nghỉ trưa, cả đám ra một tảng đá cạnh dòng Sesan ngồi. Nước sông cuồn cuộn, đổ ầm ầm, vẫn như từ ngày đầu đặt chân tới đây. Thằng nào cũng dõi mắt nhìn sang bờ bên, như cố kiếm tìm điều gì đó xa xôi, sâu thẳm và riêng tư trong kí ức. Cũng có khi chỉ là một điều ước muốn nhỏ nhoi – được gặp mặt người, được cười giữa thành phố, được về đơn vị, sửa sang doanh trại, quây quần đón Tết cùng chỉ huy và anh em.


Thằng Trần Văn Hiền bảo: Bên kia, nhiều mai quá, anh quân y nhỉ. Có cách nào qua đó, lấy một ít về không? Thế là cả bọn nháo nhào lên, bàn tính chuyện lấy mai về trang trí lán, để đón Tết. Cũng đúng thôi, ở đây, ngoài mai ra, chẳng còn gì biểu trưng và khơi gợi không khí mùa xuân cả. Nhưng rồi, bàn qua bàn lại dẫn tới bàn lui. Vì thực tế, gần như không thể nào qua sông được (gọi là sông, nhưng nó to chà bá và nước chảy xiết, cuồn cuộn như thác cả ngày lẫn đêm, và bên dưới nó, đầy những đá ngầm lởm chởm). Thất vọng và buồn da diết! Mình khẽ cười, bảo: Yên tâm, anh có cách. Để chủ nhật, xin nghỉ buổi sáng, rồi chúng ta bơi xuôi theo dòng nước, chéo qua, vác mai về. Anh biết có khúc sông rộng, nước phẳng lặng, có thể nương theo tốc độ nước cuốn, để dạt sang bờ bên kia an toàn. Sẽ làm cho doanh trại ngập tràn hoa mai với phong lan...


Công việc rà, phá bom, mìn trong ngày kết thúc sớm. Khoảng 17h, hành quân về tới lán. Như thường lệ, gần hết anh em đi thẳng ra bãi tắm đã được quy định, chỉ một hai người ghé vào lán lấy quần áo và dụng cụ tắm giặt cho tất cả. Riêng mình lúc nào cũng về lán trước, rồi mới ra sông tắm, bởi vì, đồ của quân y không chung chạ với ai hết. Ngang qua lán chỉ huy và nhà bếp, thấy có xe vận tải của đơn vị vào tiếp tế, trong lòng vui vui một tí. Mấy thằng nuôi quân huýt sáo, ra hiệu tối nay có mồi tươi và bảo, tăng cường thêm bác sĩ, anh quân y nhá. Mình ừ hứ, đáp: Lại bác sĩ Vịnh chứ gì...

Đứng trên lán (lán ở lưng chừng một quả đồi, chái hướng về phía sông), vừa mới treo cái mũ và túi quân y, thấy thằng Tuấn chạy vào. Mặt mũi xanh lè, người run lẩy bẩy, nhẩy phóc lên lán, trùm chăn kín đầu, khóc rống lên. Mình giật cái chăn ra, túm áo ngực nó, xốc ngược lên, quát: Có chuyện gì? Nó tức tưởi: Có... có người chết trôi. Anh ơi...! Hỏi nó: Ai? Ở đâu? Bao giờ? Nó lập bà lập bập: Hình như thằng Nhít, nó trôi 4km rồi, anh nhìn ra sông kìa, mọi người ra đó hết rồi.


Mình buông thằng Tuấn ra, nhìn thằng về phía sông. Thấy mọi người nháo nhào chạy cả về đó. Và giữa dòng, một chấm đen nhỏ xíu xiu cứ nhấp nha nhấp nhô, lềnh bà lềnh bềnh cùng dòng nước. Trôi nhanh lắm. Chính giữa dòng cơ mà. Là dòng mạnh và xiết nhất đấy. Vừa dõi mắt không rời chấm đen ấy, vừa cởi áo, quần, tất chân. Thằng Tuấn lại đã chui vào chăn kín mít và khóc thút thít. Mình giật chăn ra, bảo: Nghe cho kĩ và làm đúng như những lời anh dặn đây. Cầm túi quân y, chạy theo anh. Anh chạy đâu, mày theo đó. Anh dừng tại đâu, thì lập tức kiếm củi khô, đốt một đống lửa, trong túi quân y anh có bật lửa. Rồi kêu mọi người tập trung tới đó hỗ trợ anh. Anh sẽ ra vớt nó vào. Rõ chưa? Thằng Tuấn giật tay mình lại: Anh ơi, đừng. Ra làm sao được chứ? Không ai ra được đâu. Mình mất nó rồi! Em sợ lắm! Mình tát cho thằng Tuấn phát nảy lửa, bảo: Tỉnh lại chưa, hả? Chết cũng phải mang xác nó về. Cứ làm theo những gì anh nói. Rõ chưa!?


Xong, mình gạt tay thằng Tuấn ra, nhảy xuống lán, phi thẳng ra bờ sông và chạy dọc men theo dòng nước. Mắt không rời chấm đen nhỏ xíu xiu đó. Vừa chạy vừa tính tốc độ dòng nước, vị trí sẽ bơi ra vớt thằng Nhít. Đến sát bờ sông, cây cối um tùm và cao quá đầu, không nhìn thấy thằng Nhít đâu nữa. Cứ vừa tìm đường chạy dọc ven sông, vừa đoán xem bắt kịp nó chưa... Mà lạ, cây cối, gai góc chằng chịt, dưới chân lởm chởm toàn đá cục, sắc, nhọn nhưng mình không hề bị xước xác tí nào, chân không vấp váp phải đá. Cảm giác giống bay hơn... Bình thường, lúc đi bộ, dọ dẫm đường còn vẫn bị vấp toé máu cơ mà.


Chạy cách lán khoảng 1km, tính ở vị trí mép sông, theo đường vuông góc với lán (từ lán thẳng ra mép sông khoảng 300m). Áng chừng sắp tới vị trí mà trước đấy, mình đã tính toán sẽ đón lõng vớt người trong trường hợp bị nước cuốn trôi. Vì ở khúc này, lòng sông loe ra to hơn, giữa sông có một bãi bồi toàn sỏi, đá trắng toát, khoảng vài chục m2, phân dòng nước chính thành hai, nên tốc độ và sự dữ dội giảm đáng kể. Nếu người hay vật nổi trôi tự do giữa dòng, sẽ đâm thằng vào bãi sỏi, đá này (vì dòng chính giữa chảy rất xiết, mạnh, nên phải đến khi đâm trực diện vào mới bị tác động, phân tách), rồi mới bị liếm và cuốn sang một bên bất kì, tuỳ vào lực của dòng nước và quán tính người bị trôi. Chỉ cần người trôi tới đây, đâm thẳng vào bãi sỏi, đá hay lệch sang bên nào cũng đều đủ thời gian và sức lực chụp được. Điều quan trọng nhất là, phải ra được bãi sỏi, đá đó trước, để đón lõng và nghỉ dưỡng sức chờ người trôi tới. Bởi, khoảng cách từ bờ ra bãi bồi này cũng xa và dòng nước chảy vẫn hung tợn lắm.

Từ những ngày đầu, mình đã chia dòng chảy của sông thành năm dòng và thường bơi ra tắm ở dòng hai một mình. Anh em chỉ tắm ở dòng một (sát bờ), mà mình đã cắm cọc tiêu hạn định. Ở vị trí tắm dòng một thẳng ra dòng hai có một mỏm đá vừa một người, và mình thường bơi ra đấy ngồi hút thuốc lá, ngắm dòng chảy dưới ánh hoàng hôn, rồi mới tắm và bơi vào. Tất nhiên, không đứa nào dám bơi ra như mình cả, vì từ dòng một ra dòng hai là nước chảy xiết hơn nhiều. Chúng nó cứ bảo mình liều và không hiểu bằng cách nào, mình mang được cả lửa, thuốc lá ra đó. Ngay vị trí tắm tại dòng một, người vẫn bị trôi bình thường nếu nước ngập đầu (tức là chân không chạm đáy để giữ), nên anh em phải bám, tựa vào đá. Do đó, lần nào đi tắm cũng có thằng bị chầy xước, bầm tím chân tay.

Chính vì bơi ra tận dòng hai và đứng trên tảng đá, nên mình mới nhìn thấy bãi bồi sỏi, đá đó, cách vị trí tắm khoảng 1km, xuôi theo dòng nước (ở dòng một bị che lấp bởi các tảng đá và cây cối). Có lần, mình thử bơi ra dòng ba, chưa tới đã bị trôi vài chục mét, phải lựa thế nước, tấp vào dòng một, rồi lên bờ. Nhờ “thưởng thức” cảm giác bị nước cuốn trôi, nên mình tính toán và phân chia dòng nước thành năm dòng. Tốc độ chảy của dòng tăng theo cấp số nhân với dòng một. Nghĩa là, tốc độ nước chảy và sự hung dữ của dòng năm (chính giữa sông) sẽ gấp năm lần dòng một. Và chắc chắn, người không không thể nào bơi ngang ra thẳng dòng năm được, sẽ bị cuốn trôi vùn vụt ngay từ dòng hai rồi. Tuy nhiên, dòng càng xa, thì càng không bị va đập vào đá ngầm, vì độ sâu của sông – đó là một lợi thế. Người biết bơi, chỉ cần giữ bình tĩnh, tỉnh táo, không bị sặc nước, thả lỏng cơ thể cho trôi tự do và lựa theo dòng nước, lách chéo dần vào bờ là có thể thoát. Nhưng cũng phải trôi ít nhất từ vài trăm mét.

Bởi xác định bãi bồi sỏi, đá giữa sông là điểm và cơ hội duy nhất có thể vớt được người bị cuốn trôi, nên ngay trong tuần đầu tiên đặt chân đến đây, mình đã yêu cầu tổ rà, phá bom, mìn rà một lối đi (vừa chân một người) ven bờ, từ lán tới bãi bồi đó. Tất nhiên, chúng nó không hiểu (mình cũng không giải thích gì), vì từ lán hất xuôi theo dòng nước không thuộc phạm vi rà, phá trong đợt này, nên không ai đi về phía đấy cả. Mình cũng chỉ đi khảo sát cùng tổ rà, phá và đánh dấu một lần đó thôi. Mãi tận gần chín tháng sau, dường như quên mất rồi, bỗng dưng lại có chuyện. Và lúc này, tự nhiên toàn bộ kế hoạch dự trù vớt người bị cuốn trôi hiện rất rõ, chi tiết và tỉ mỉ, chóng vánh trong đầu. Mình cứ thế thực hiện như một chiếc máy, không suy nghĩ, không cảm xúc...

Kế hoạch của mình là, chạy gần tới điểm ngang ra bãi bồi, bơi ra đó. Nếu thằng Nhít chưa trôi tới, thì đón lõng và lao ra kéo nó vào bãi bồi. Nếu không kịp ra bãi bồi trước nó, thì bơi xuôi theo dòng, ôm nó và lái vào bãi bồi.

Do thời gian lâu, cây cối mọc um tùm, làm mất hết các dấu vết trước đấy, nên mình căn cứ vào rễ cây (rễ cây gần nước sẽ to hơn và có ngấn của thuỷ triều), để xác định vị trí bám sát mép sông và nhắm vào các hòn đá nhô hẳn lên mặt đất (tránh dẫm phải mìn), để bước chân. Tính từ mép sông, vừa chạy vừa đếm, một nghìn hai trăm bước (vì trung bình mỗi bước một mét, bù vào những chỗ phải bước ngắn và ngoắt ngoéo là vừa đủ). Ước chừng đã gần đến bãi bồi rồi, mình dừng lại, để tìm bãi bồi và xem thằng Nhít trôi đến đâu.

Cây cối um tùm quá, chả nhìn thấy gì. Trèo lên một chạc cây, nhìn xuôi dòng, bãi bồi còn cách mình khoảng trăm mét, không thấy thằng Nhít đâu. Nhìn thẳng chỗ mình ra, thấy một chấm đen đen giữa dòng, nhưng nó đứng im, chả trôi. Thằng Nhít mất hút...

No comments :

Post a Comment

Định dạng nhanh toàn Blog

Bản quyền thuộc Người lính Việt,Blogger-@2014-Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024,tỉ lệ 100-125%.

Trang chủ | About Me | Chuyên trang video quân đội | Chuyên trang người lính với cộng đồng | Liên hệ