Mình ngồi thừ ra, nhìn bụng thằng Nhít, rồi bảo thằng Hiền: Em kéo lưng nó lên đùi em, để bụng nó ngửa lên đi. Thằng Hiền ngập ngừng: Anh định đạp nó à? Phì cười, bảo: Không. Cứ kéo lên đi. Mình cúi xuống, cắn rốn thằng Nhít và nhay nhay (vì tay mỏi và yếu rồi, không đủ sức véo). Độ ba bố lần, thấy thằng Nhít khẽ đưa tay lên bụng, miệng rên, đau quá, đau quá. Mắt vẫn nhắm nghiền. Mình mừng quá, nhẩy tưng tưng lên, sống rồi, sống rồi. Biết đau là sống rồi...! Thằng Hiền nghệt mặt ra, chẳng hiểu gì, nhưng cũng cố cười...
Sợ độ đau chưa đủ kích thích cơ thể thằng Nhít phục hồi và quá trình vận chuyển vào bờ, tim nó ngừng đập giữa chừng. Mình hỏi thằng Hiền: Em đủ sức bơi vào bờ, lấy túi quân y của anh và bơi ra đây không? Nó lắc đầu. Mình dặn: Bây giờ, anh phải bơi vào bờ, lấy thuốc kích tim và kích đau cho nó, mới đưa nó vào bờ an toàn được. Em ở lại đây, ôm chặt cho nó ấm. Nếu nó ngủ, thì phải cắn rốn nó, không được để nó lịm đi. Rõ chưa? Thằng Hiền gật đầu như bổ củi.
Mình nương theo dòng chảy, bơi thật nhanh vào. Tới bờ, áng chừng khoảng cách trên bờ ở vị trí của mình với chỗ hai thằng nó thẳng vào, phải đến 200m. Tức là phải xuôi theo dòng nước mất 200m. Nhìn mãi, gọi ầm lên, không thấy thằng Tuấn đâu. Lại chạy ngược dòng, hướng về lán. Độ 500m, thì gặp thằng Tuấn cùng đơn vị đang lao xuống. Quát thằng Tuấn: Anh bảo xách túi quân y chạy theo anh cơ mà. Thằng Tuấn níu lưỡi: Nhưng em không kịp nhìn anh chạy đi đâu, nên phải ra chỗ mọi người. Mình giật lấy túi quân y, lấy mấy ống thuốc, cho vào hai xilanh.
Mọi người ập tới, anh chỉ huy, mặt tái xanh, lắp bắp: Sao rồi, sao rồi, hả quân y? Mình nói: Nó vẫn sống, em sẽ cứu được. Anh dẫn quân đi dọc đây chừng 500m, tổ chức đốt vài đống lửa sẵn cho em. Nhớ theo dõi tốc độ di chuyển của bọn em, để đón lõng. Em vào tới bờ, là phải có lửa ngay đấy, không là không kịp đâu. Anh chỉ huy hồ hởi: Ừ, được rồi. Cứ thế tiến hành. Hay bây giờ kết dây, cho em cầm một đầu bơi ra, rồi bọn anh kéo bọn em xuôi theo dòng chảy vào? Mình bảo: Dây nào đủ dài và đủ dai, để làm thế? Anh phải mất ít nhất nửa ngày mới làm xong. Nước chảy cuồn cuộn thế kia, có phải mặt hồ phẳng lặng đâu mà co với kéo. Anh chỉ huy bần thần: Không còn cách nào, để bọn anh hỗ trợ à? Em bơi ra, rồi lại bơi vào, đủ sức không? Mình khẳng định: Em bơi được. Từ đây ra, xuôi theo dòng nước. Lúc vào cũng nương xuôi theo dòng nước. Không tốn sức mấy, chỉ cần giữ nổi và tránh va vào đá là được. Nhưng anh cho vài đứa ra đón lõng ở dòng một, sợ lúc ý, bọn em kiệt sức. Chỉ ra dòng một thôi nhé, không lại trôi nữa... Mà bác sĩ Vịnh đâu? Cho người về dẫn bác sĩ Vịnh ra đây ngay đi chứ.
Triển khai xong, mình ngậm hai cái xilanh thuốc vào miệng, xuôi dòng nước ra tảng đá. Tiêm cho thằng Nhít xong, hỏi nó: Nhít, có nghe rõ anh nói không? Nó khẽ gật gật đầu. Bảo thằng Hiền: Em buộc quần áo, giầy của thằng Nhít thành cục, để lên bụng nó. Em bên phải, anh bên trái nó, bơi ngửa và làm phao thả trôi theo dòng nước, dìu nó vào bờ. Anh định hướng, giữ đầu nó nổi và dắt, em giữ thân nó nổi và đẩy, nhé...
Và cứ thế, mất 20-30p thì vào tới dòng một. Anh em ùa ra, xốc thằng Nhít vào bờ, đặt cạnh đống lửa. Trời gần tối hẳn, phải bật đèn pin, vì cây cối rậm rạp. Mình cũng phi lên, đổ chai dầu gió ra hai tay, xoa toàn thân thằng Nhít. Nó ấm dần lên. Bác sĩ Vịnh chạy tới, run run, hỏi: Tình hình sao rồi em, thế nào rồi!? Mình thở hắt ra, đáp: Cứu được nó rồi, anh ơi! Mau đưa nó về lán, truyền dịch cho nó đi.
Mấy thằng liền tập trung lại, vác thằng Nhít về lán. Mình đứng lên, định đi theo, tự dưng đổ quỵ xuống, không thể cử động chân tay được. Gọi to: Cường ơi, kêu mấy thằng lại đây. Anh bị làm sao rồi không biết, không đi nổi này. Chúng nó chạy lại, vác nốt mình về lán. :)
Mình ngồi tựa vào cột của lán, cạnh chỗ thằng Nhít đang nằm truyền dịch. Anh Vịnh thăm khám lại cho nó, nhìn mình bảo: Tất cả mọi thứ đều bình thường, đang phục hồi dần rồi, em ạ. May quá! Tốt lắm! Thằng Nhít mở mắt, nhìn mọi người, không nói gì. Anh Vịnh bảo nó: Tỉnh rồi à? Có biết ai cứu em không? Nó lắc lắc đầu, nước mắt chảy vòng quanh. Anh Vịnh chỉ vào mình, bảo: Anh quân ý cứu đấy nhé, khoẻ lại, phải cảm ơn anh quân y nhé. Thằng Nhít nhìn mình chăm chăm, chả nói gì...
Anh em tổ chức đi ăn tối và mang cơm về cho mình. Giơ tay ra đỡ bát cơm, rơi tọt xuống đất. Ơ, tự dưng tay mình như không xương, hoàn toàn không có lực gì cả, không thể điều khiển được tay, chân. Giống như bị liệt toàn thân, mà người cứ run run. Thấy vậy, mấy đứa chạy lên gọi anh Vịnh xuống. Mình hỏi, anh Vịnh khám, rồi bảo: Em bị giãn cơ quá độ đột ngột và lâu dài, do quá sức bình thường. Để anh nấu cháo phục sức cho em. Cứ nằm đấy nghỉ đi. Yên tâm, không vấn đề gì. Vài ba tiếng, cơ của em sẽ tự về trạng thái bình thường, là cử động được.
Lúc anh Vịnh xúc cháo cho mình ăn, thằng Nhít đã ngồi dậy nói chuyện với mọi người được rồi cơ đấy. Nó cứ nhìn mình, chả nói năng gì. Anh Vịnh bảo: Thằng Nhít hơn em hai mấy kg, không hiểu làm thế nào, mà em lôi nó cứ xềnh xệch như không được nhỉ? Và, anh không hiểu, làm sao em lại bơi ra được như thế? Anh chỉ huy há hốc miệng, đế thêm: Đúng rồi. Làm thế nào, quân y lại bơi ra được tận đấy nhỉ? Tất cả anh em ở phía trên (chỗ roi đá ở dòng một), chỉ biết đứng nhìn. Mấy đứa định nhảy xuống, bơi theo, nhưng vừa xuống, liền bị nước cuốn. Không tài nào bơi được. Chỉ còn biết đứng nhìn, bất lực.
Lúc nhìn thấy quân y ở tảng đá, mọi người mừng rỡ, nhảy hết cả lên. Rồi lại thấy quân y chìm nghỉm xuống nước, mất hút, rồi lại trồi lên, rồi lại chìm xuống... Thót hết cả tim. Không biết là ai, cứ tưởng ông dân tộc nào đi câu cá cơ (ôi mẹ, câu cá gì lại ra tận giữa dòng nước cuồn cuộn thế chứ). Cho tới khi Tuấn chạy ra, bảo, đấy là anh quân y, tất cả mới giật mình. Nói thật, lúc thấy quân y chìm xuống lần hai, là anh đã gỡ quân hàm ra rồi đấy. Mất liền lúc tận hai người, lại không thể vớt được xác, chịu sao nổi! Mình cười, không nói gì. Vì thực ra, chính mình cũng không hiểu. Và lúc ấy đang mệt, nên chưa muốn nhớ lại chi tiết tình huống.
Mình quay ra hỏi thằng Hiền: Em bơi ra bằng cách nào? Nó đáp: Thấy thằng Tuấn nói, anh chạy dọc bờ sông, rồi bơi ra. Em nhớ lúc trưa anh nói, có thể nương theo dòng nước, trôi tự do sang bờ bên, nên chạy đi tìm đường của anh và làm theo. Cũng sợ lắm, mà cứ liều thôi. May mà còn sống. Em với nó (chỉ vào thằng Nhít) cùng là sư bơi ở quê đấy, anh ạ. Mình cười, bảo: Ừ, sư bơi gì, suýt mất xác chốn rừng hoang đấy thôi.
Mình nói anh chỉ huy: Nay, anh em căng thẳng, mệt mỏi quá rồi. Chuyện cũng qua rồi, đều sống cả. Anh để mai hãng sinh hoạt quán triệt bài học và rút kinh nghiệm, cho anh em nghỉ ngơi thoải mái. Còn lí do tại sao thằng Nhít lại trôi tận 4km ở giữa dòng, để từ từ, em hỏi nó cho. Anh ấy gật đầu...
2W (chả biết mấy W, nhưng mình quen gọi bộ phận thông tin thế) báo về Sư đoàn. Trưa hôm sau (24 Tết), Tham mưu trưởng f vào tận nơi. Mình và anh em đi làm, không gặp (vì vị trí làm cách lán 8km đường rừng, núi rồi). Tối về, sinh hoạt, anh chỉ huy không hề nhắc đến sự việc trôi sông. Chỉ truyền lại lời khen ngợi, động viên và kể lại câu chuyện của Tham mưu trưởng f như sự nhắc nhở, quán triệt. Rằng, lần rà, phá bom, mìn của Sư đoàn tại Đức Cơ, đã có một thiếu tá, hai trung uý bị lật thuyền trên sông. Gần một tháng sau, mới vớt được xác. Mà sông ở trên ý bé tí tẹo thôi.
Nhận quà của Tham mưu trưởng f, về lán ngồi chơi. Mình hỏi thằng Nhít ba lần, tại sao lại bị trôi? Nó chả nói, cứ khóc, nên không truy cứu nữa. Quay sang mắng thằng Bình (người Nghệ An, trưởng xe, a trưởng), tội không quản lí chắc và bám sát anh em, để xảy ra chuyện. Mấy thằng còn lại nhao nhao hỏi: Còn vụ lấy mai, anh quân y tính sao? Mình quát: Mai mốt gì nữa, trôi cả đám, thì có mà... Quên đi!
Những ngày sau, cứ đi làm về, lại thấy trước phòng lán quân y thêm một giỏ phong lan và mấy con chim. Thích lắm! Mình hỏi, mấy đứa bảo: Thằng Nhít rất chăm chỉ đi kiếm hoa phong lan và bẫy chim (chả biết nó bẫy kiểu gì, chỉ đúng hai sợi dây nhỏ như cái tăm), tặng anh quân y đấy. Chắc nó muốn cảm ơn anh. Ừ nhỉ, giờ mới nhớ, từ hôm đấy, thằng Nhít chả nói cảm ơn bằng lời với mình, cứ giáp mặt, nó lại né sang bên. Có lẽ, với nó, nói khó hơn là hành động. :)
27 Tết, bất ngờ nhận lệnh của Tham mưu trưởng f, anh em rút quân về đơn vị ăn Tết...
Hết.
P/s:
- Còn chuyện, tại sao lúc ý, mình lại làm được chuyện không tưởng vậy. Mình vẫn thắc mắc hoài. Vì bình thường, để bơi ra tới dòng ba cũng không thể rồi. Mãi tới 2005, khi gặp thầy Duy Tuệ, mình mới hiểu rõ triệt để. Đó là trạng thái vô cùng đặc biệt của con người, mà không thể giải thích bằng ngôn ngữ được. Trạng thái này, nhất định phải có hoàn cảnh, mới bộc lộ. Những người lính thường có điều kiện xâm nhập trạng thái này (nhất là những lúc nguy nan, trận mạc), dù biết hay không, hiểu hay không. Do vậy, chỉ những người trải nghiệm qua trạng thái này, mới hiểu được mà thôi. Tự hiểu, chứ cũng chả thể giải thích. Hơ hơ hơ...
Ở trạng thái này, bộ não tự phát huy khả năng đặc biệt và điều khiển cơ thể làm được những việc vượt xa giới hạn bình thường của nó. Mà ngay chính người đó, cũng không thể hiểu và giải thích. Tóm lại là hoàn toàn không thể hiểu và giải thích. Chỉ có thể quan sát và lí giải về mặt y học của cơ thể lúc đó mà thôi. Ví dụ, khi đó, các khối cơ tự động lấy toàn bộ năng lượng dự trữ của cơ thể để hoạt động, mà bình thường, muốn thế cũng chả có cách nào.
- Chính vì Tham mưu trưởng f đã hai lần đích thân vào tận đây, chứng kiến những quy trình bảo đảm quân y của mình cho anh em, hiệu quả và an toàn gần như tuyệt đối về sức khoẻ, tính mạng. Cho nên, đáng lẽ năm sau, mình không phải đi nữa, do thuộc quân số trực chiến của d3e48, nhưng Tham mưu trưởng f chỉ thị trực tiếp e trưởng 48, điều mình đi bảo đảm quân y cho đội rà, phá bom, mìn của f. Và thế là, cuộc đời lính của mình gắn bó mật thiết với rừng già Tây Nguyên, Đông – Tây Trường Sơn cho tới ngày cuối cùng. Biết bao chuyện buồn, vui, cận kề sinh tử. Nhiều người thương mình, vì cho rằng mình quá thiệt thòi. Nhưng mình lại thấy thích thú, hấp dẫn, và thế mới đúng là lính chiến thực thụ.
No comments :
Post a Comment