15.6.14

Nhật kí lính - viêm ruột thừa cấp



Lại nhớ trường hợp viêm ruột thừa cấp, mình đã cãi nhau rất nhiều với anh bác sĩ tăng cường cho lực lượng dò phá bom, mìn. Lúc đó, vì vào mùa mưa, mưa rừng Tây Nguyên rất nguy hiểm và độc hại, dễ dẫn đến nhiều bệnh tật, tai nạn... nên sư đoàn tăng cường cho một bác sĩ. Bác sĩ này mới tốt nghiệp dân sự, chưa được biên chế, chuyển sĩ quan, còn đang trong thời gian "thử thách".  


Sáng sớm hôm ý, mình chẩn đoán lính của mình bị viêm ruột thừa cấp, đề nghị anh ấy chuyển về tuyến sau, để mổ gấp, nhưng anh ấy không đồng ý. Tối hôm trước, tự nhiên mình nêu tình huống với anh ấy: Nếu có trường hợp phải mổ, hai anh em mình có thể tiến hành mổ được không? Ví dụ như ruột thừa. Anh ấy trả lời, không thể. Mình hỏi tại sao? Anh ý bảo: Vì không đủ kíp mổ và anh không mang theo thuốc giãn cơ. Mình lại hỏi: Thế, xử lí bằng cách nào? Anh ý đáp: Phong toả, bảo vệ, chống vỡ và chuyển tuyến sau trong vòng 72h. Nếu quá 72h, thì sao? Nguy cơ vỡ, nhiễm trùng huyết và tử vong rất cao.

Mình tính toán rất kĩ, thời gian từ chỗ mình ra tới nơi có điểm y tế cấp huyện, nếu thuận tiện cũng mất suýt 24h, để về tới viện đơn vị ở thành phố thì hơn nữa. Nếu đường xấu quá, xe không đi được hay buộc phải hành quân bộ, thì phải mất 3 ngày. Còn thời gian nhập viện, khám xét, chẩn đoán...

Vì thế, mới sáng sớm, mình đã đề nghị anh bác sĩ trực tiếp vận chuyển người lính bị viêm ruột thừa cấp về tuyến sau. Mình chỉ định thẳng luôn là về viện Quân y 211, không qua tuyến bệnh xá f. Nhưng anh ấy nhất quyết không chịu, mặc dù đã xuống khám lại. Anh ấy nói, chẩn đoán chính xác viêm ruột thừa bằng thăm khám thông thường rất khó, dễ nhầm, ngay cả các bác sĩ chuyên khoa. Mặt khác, tối qua, cả đơn vị đều đau bụng vì ngộ độc. Triệu chứng đau bụng ngộ độc và viêm ruột thừa rất giống nhau. Trường hợp này, có lẽ bị nặng hơn nên giờ còn đau. Để anh theo dõi thêm, rồi quyết định.

Mình không chịu, bảo: Em chắc chắn viêm ruột thừa cấp, phải cho về ngay, không thì quá muộn. Anh ấy khăng khăng: Về mặt chuyên môn, dù gì, anh cũng cao hơn em. Mình đáp: Nhưng chịu trách nhiệm về bệnh tình và sức khoẻ của anh em ở đây là do em. Quyền quyết định thuộc về em, chứ không phải anh.   Em quyết định cho về. Anh chuẩn bị đi. Nếu anh không áp tải về, thì theo bảo đảm cho bộ đội trực tiếp đi dò mìn, còn em sẽ đưa về. Anh bác sĩ không nói gì, quay sang nói chuyện với anh chỉ huy đội dò phá bom, mìn. Ý là nhờ anh chỉ huy can thiệp, vì tại đây, chỉ anh này mới là cấp trên của mình thôi.

Nói xong, mình viết giấy giới thiệu nhập viện tuyến sau. Trong giấy giới thiệu, phần chẩn đoán, mình ghi rõ luôn là viêm ruột thừa cấp. Sợ phải chờ đợi lâu ở tuyến sau (vì mất nhiều thời gian vận chuyển rồi), mình đã cài băng đỏ (kí hiệu khẩn cấp và ưu tiên) trước ngực đồng chí bị bệnh. Sau đó, quay sang nói với anh chỉ huy: Chúng ta chấp nhận mất một người ở đây, anh kí vào giấy và cấp lệnh xuất xe, cho bác sĩ đưa về nhé. Còn em sẽ theo bộ đội như mọi khi. Nếu anh không đồng ý cho về, thì làm giấy xác nhận, anh chịu trách nhiệm toàn bộ về đồng chí này, quân y hết trách nhiệm.  

Anh chỉ huy và bác sĩ nhìn nhau phân vân. Mình nói anh bác sĩ: Đây là mệnh lệnh của em, chứ không phải thương lượng, hội ý. Em chịu trách nhiệm. Đến trưa em sẽ về, mà đồng chí này còn ở đây và vẫn đau, thì anh đừng có trách. Rồi mình đi thẳng lên thông tin, dặn: Em gửi điện về báo cáo sư đoàn, có một đồng chí bị viêm ruột thừa cấp, phải cho về viện 211, đề nghị sư đoàn hỗ trợ. Và ra dặn anh lái xe: Trên đường về, nếu thấy nguy kịch, thì khẩn trương tìm cơ sở y tế gần nhất, đề nghị giúp đỡ nhé. Bởi vì mình rất lo, trong quá trình vận chuyển đường rừng núi vô cùng khó khăn, sợ người bệnh không chịu nổi.

Tầm trưa, dù rất mệt, nhưng mình vẫn chạy về lán (lúc này, vì phạm vi dò mìn đã cách lán cả chục km rồi, nên anh em mang lương thực theo ăn tạm, làm thông tầm tới tối mới về ăn cơm), để kiểm tra. Thấy không còn xe ở lán (cả đội chỉ có một chiếc xe quân y theo thôi), mình hỏi anh chỉ huy: Xe về lúc mấy giờ? Anh ý bảo: Em vừa đi, thì xe về luôn. Tay bác sĩ cũng sợ vì phản ứng của em.  

Ba ngày sau, 15W báo tin: Nhận điện của sư đoàn thông báo, đồng chí ấy đúng là bị viêm ruột thừa cấp, viện Quân y 211 đã mổ kịp thời và an toàn ngay khi nhập viện. Lúc này, mình mới cảm thấy nhẹ nhõm.

Một tuần sau, anh bác sĩ trở lại đội dò mìn cùng với xe chỉ huy sư đoàn (sư đoàn mang lương thực, thực phẩm, quà cáp vào thăm, biểu dương và động viên, còn xe quân y của đội thì đã trở lại ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ), nói với mình: May quá, ruột thừa của nó viêm to như quả chuối, sắp vỡ rồi. Mà các bác sĩ ở viện cũng thắc mắc rằng, tại sao một y tá lại chẩn đoán chính xác và khẳng định viêm ruột thừa cấp được, lại còn gắn băng đỏ nữa? Mình cười, không nói gì. Chỉ bảo: Em chẩn đoán 4 lần đau ruột thừa rồi, chưa sai lần nào, và đây là trường hợp thứ 5.

P/s: Hồi ý, mình thật "bá đạo" quá cơ. Chuyên môn vượt y lệnh. Hơ hơ hơ...Bi giờ, anh bác sĩ này đã làm sĩ quan quân y tại viện Quân y 211 và đang học chuyên khoa cấp II tại viện Quân y 108 rồi.  

No comments :

Post a Comment

Định dạng nhanh toàn Blog

Bản quyền thuộc Người lính Việt,Blogger-@2014-Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024,tỉ lệ 100-125%.

Trang chủ | About Me | Chuyên trang video quân đội | Chuyên trang người lính với cộng đồng | Liên hệ